“Quốc hội hôm nay đã ủng hộ quyết tâm của chính phủ trong việc rời EU”, BBC dẫn lời Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis.
Dự luật rời EU từng bị Thượng viện phản đối vì muốn yêu cầu chỉnh sửa một số nội dung, bao gồm việc cho phép công dân EU đang sống ở Anh tiếp tục được ở lại sau Brexit cũng như yêu cầu quốc hội có vai trò đặc biệt trong các thoả thuận cuối cùng giữa Anh với 27 nước thành viên còn lại của EU.
Thủ tướng Anh Theresa May đặt thời hạn cuối tháng 3 để chính thức thông báo với EU về ý định rời khỏi liên minh của nước này. Ảnh: AFP. |
Những yêu cầu này bị bác bỏ ở Hạ viện Anh, nơi đảng của bà May chiếm đa số. Cuối cùng, Thượng viện cũng chịu nhượng bộ và thông qua dự luật.
Dự luật sau khi được thông qua ở quốc hội sẽ được chuyển tới Hoàng gia để được phê chuẩn chính thức. Sau đó, về lý thuyết, Thủ tướng Anh Theresa May có thể kích hoạt Điều 50 chính thức bắt đầu Anh rời EU sớm nhất là vào ngày 14/3.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết chuyện đó sẽ không xảy ra trong tuần này, do bà May muốn đợi đến cuối tháng để chính thức thông báo với EU về ý định rời đi của Anh. Quá trình Brexit dự kiến kéo dài trong 2 năm để hoàn thành.
Trong bối cảnh London đang ráo riết chuẩn bị cho Brexit thì Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Vương quốc Anh trong khoảng cuối năm 2018, đầu 2019.
Bà Sturgeon sẽ tìm cách thông qua một cuộc trưng cầu dân ý ngay trong tuần tới. Bà khẳng định những công dân Scotland có quyền được ở lại EU với tư cách một quốc gia độc lập.