Ngày 24/2, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox rời Hà Nội đến TP.HCM. Ông đã đi tìm hiểu những dự án tại Việt Nam có sự tham gia của các doanh nghiệp Anh và gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM.
Việt Nam cùng Singapore là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên tư cách bộ trưởng bộ này. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong chính sách thương mại của Anh.
Bộ trưởng Liam Fox họp cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào sáng 24/2. Ảnh: ukinvietnam. |
Sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định rằng Anh sẽ rời khỏi châu Âu, tân Thủ tướng Anh Theresa May vạch ra chiến lược mới là Global Britain (Nước Anh toàn cầu) hướng đến phương trời rộng lớn hơn. Do vậy, chính phủ Anh thành lập Bộ Thương mại Quốc tế, nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Anh ra nước ngoài, và khuyến khích đầu tư doanh nghiệp, thương mại rộng mở, tự do.
Nói về lý do chọn Việt Nam là điểm đến, Bộ trưởng Liam Fox cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn, chia sẻ quan điểm về tự do thương mại toàn cầu.
"Việt Nam có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển thương mại. Chúng tôi tin rằng 2 đối tác Singapore và Việt Nam có thể cùng Anh thúc đẩy phát triển thịnh vượng".
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox. Ảnh: Cảnh Toàn. |
Bộ trưởng Liam Fox cũng có cuộc gặp với báo chí để chia sẻ và trao đổi về chuyến thăm Việt Nam của ông. Nội dung họp báo giữa Bộ trưởng Liam Fox và các phóng viên sáng 24/2:
- Tuổi Trẻ: Sau khi rời EU thì Anh có tính đến xây dựng FTA riêng với Việt Nam không?
- Bộ trưởng Liam Fox: Đây là câu hỏi phức tạp vì chúng tôi chưa thể biết tình hình hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) vào thời điểm Anh đã hoàn toàn rút khỏi liên minh. Nếu khi Anh rời khỏi EU và EVFTA đã thông qua thì Anh vẫn theo đuổi tinh thần hiệp định này nhưng theo nguyên tắc của Anh. Còn nếu đến khi đó mà EVFTA vẫn chưa xong thì Anh có thể nghĩ đến FTA mới với Việt Nam. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh Brexit không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Anh - Việt Nam.
- Vietnam Plus: Tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,3% giá trị thương mại quốc tế của Anh, và Anh đang tụt lại đằng sau các quốc gia khác, ông nghĩ sao về điều này? Liệu Brexit có thể diễn ra suôn sẻ mà không gây ảnh hưởng các hoạt động thương mại song phương?
- Bộ trưởng Liam Fox: Cá nhân tôi rất lạc quan với quá trình Brexit. Đến 90% đối tác thương mại của Anh là ở bên ngoài châu Âu, nên chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cương thương mại theo chính sách Global Britain. Khi Anh rời khỏi EU, chúng tôi vẫn muốn tiếp tục quan hệ với các đối tác chính trị, an ninh của châu Âu nhưng không muốn bị nằm trong khuôn khổ của EU.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Robert Gibbon tại buổi gặp báo chí sáng 24/2. Ảnh: CT. |
Mô hình ASEAN tại châu Á là thích hợp vì mối quan hệ giữa các nước thành viên không quá chặt chẽ. Anh cũng muốn xây dựng quan hệ với các đối tác theo hướng đặt trọng tâm vào kinh tế nhưng ít kiểm soát hơn, chú trọng hợp tác.
Anh đang tham gia nhiều dự án lớn tại Việt Nam, bao gồm công trình xây tòa tháp cao nhất Việt Nam 81 tầng. Thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội để Anh đầu tư và thúc đẩy quan hệ thương mại và chúng tôi cần phải mở rộng hơn nữa những phương thức đầu tư.
- Zing.vn: Chính quyền TP.HCM hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Nước Anh với thế mạnh của mình có thể hỗ trợ TP.HCM như thế nào?
- Bộ trưởng Liam Fox: Anh có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ về vấn đề này, như xây dựng nền tảng dịch vụ điện tử hiệu quả hơn. Đối với dịch vụ công, việc người dân được trực tiếp tiếp cận trên nền tảng web sẽ tạo ra hiệu quả vận hành mà đồng thời làm giảm nguy cơ tham nhũng.
Bên cạnh đó, những thế mạnh của Anh trong xây dựng thành phố thông minh còn bao gồm công nghệ giao thông công cộng, chia sẻ thông tin... để phát huy những giá trị của thành phố thông minh là xây dựng xã hội hữu hiệu và lành mạnh.
- Báo Đầu tư: Anh có thể hợp tác với Việt Nam trên những lĩnh vực nào?
- Bộ trưởng Liam Fox: Giữa 2 nước có rất nhiều lĩnh vực hợp tác. Một trong những lĩnh vực trọng tâm là giáo dục. Tại Hà Nội, chúng tôi đã trao đổi với các lãnh đạo Việt Nam về những cách thức hợp tác, đặc biệt về công nghệ trong giáo dục và đào tạo.
Chúng tôi cũng đã thảo luận để 2 bên tiếp cận thị trường của nhau tốt hơn.
Những lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác bao gồm dược, quốc phòng, an ninh... Chúng tôi cũng muốn bán thêm các động cơ Airbus và Rolls Royce của Anh.
Tài chính, ngân hàng, công nghệ, cơ sở hạ tầng... cũng là lĩnh vực có tiền năng hợp tác lớn.
Chúng tôi vui mừng vì thấy chính phủ Việt Nam cùng quan tâm xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ. Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những "đồng minh thương mại" chia sẻ tầm nhìn chung như vậy. Đó là một phần lý do tôi chọn Việt Nam và Singapore cho chuyến công du đầu tiên của mình.