Trong cuộc họp ngày 17/1, các quan chức Quốc hội Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả mà Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt nếu thua cuộc đua lên Mặt Trăng. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) tuyên bố hoãn các sứ mệnh Artemis.
NASA trễ nải, Mỹ sợ bị Trung Quốc qua mặt
Theo Business Insider, lo lắng của Mỹ phần lớn là do nỗ lực thống trị vũ trụ và đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng của Trung Quốc trong thập kỷ tới.
“Trung Quốc đang tích cực kêu gọi các đối tác quốc tế thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng, xây trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Họ còn tuyên bố tham vọng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Frank Lucas bang Oklahoma khẳng định trong cuộc họp về dự án Artemis của Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ.
“Quốc gia hạ cánh đầu tiên sẽ có quyền quyết định về việc liệu có được tiến hành các hoạt động trên Mặt Trăng một cách công khai và minh bạch hay phải chịu hạn chế nhất định”, ông Lucas, Chủ tịch ủy ban này cho biết.
Năm 1969, sau khi bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên hành tinh và làm nên lịch sử nước Mỹ. Ảnh: AFP. |
Ông và các đại diện khác của Hạ viện nhấn mạnh họ rất lo ngại về sự trễ nải của NASA. Bởi trước đó, vào ngày 9/1, cơ quan vũ trụ này cho biết sứ mệnh Artemis II - đưa 4 phi hành gia bay quanh Mặt Trăng - bị hoãn lại từ tháng 11/2024 sang đến tháng 9/2025.
Sự chậm trễ của chương trình Artemis II cũng đẩy lùi sứ mệnh tiếp theo. Cụ thể, chương trình Artemis III với nhiệm vụ cho các phi hành gia hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng cũng bị trì hoãn đến tháng 9/2026.
Theo Business Insider, chương trình Artemis của NASA nhằm mục đích mang các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng, 50 năm kể từ khi Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên bề mặt hành tinh này.
Lần phóng đầu tiên của Artemis là chuyến bay thử nghiệm không người lái vào năm 2022. Trong khi đó, lần phóng thứ 2 dự kiến diễn ra vào năm 2025, sẽ đưa bốn phi hành gia đi vòng quanh Mặt Trăng nhưng đáp trên đó. Nhiệm vụ thứ 3 - hiện bị trì hoãn từ năm 2025 đến tháng 9/2026 - cuối cùng sẽ đưa các phi hành đoàn Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng.
NASA cho biết họ phải trì hoãn các sứ mệnh không gian vì cần khắc phục các vấn đề với tấm chắn nhiệt của tàu vũ trụ. Đây là bộ phận giúp bảo vệ phi hành đoàn khỏi nhiệt độ khắc nghiệt khi họ quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết họ cũng đang giải quyết các vấn đề với hệ thống duy trì sự sống và hệ thống phóng khẩn cấp của tàu, giúp đưa khoang phi hành đoàn ra khỏi tên lửa trong trường hợp nguy hiểm.
Trong thông báo dời sứ mệnh Artemis, Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết sự an toàn của các phi hành gia là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi sẽ phóng khi đã sẵn sàng. An toàn là trên hết”, ông khẳng định.
Nỗ lực của NASA nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng lại bị trì hoãn. Ảnh: Bloomberg. |
Cuộc chiến không gian "một mất, một còn" giữa Mỹ và Trung Quốc
Tuy nhiên, Mike Griffin - cựu Giám đốc NASA - tỏ ra nghi ngờ về dự đoán khởi động sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng vào tháng 9/2026. "Nhiệm vụ vòng quanh Mặt Trăng Artemis rất khả thi trong khoảng thời gian mà NASA đã định. Nhưng tôi nghĩ kế hoạch Artemis III - sứ mệnh hạ cánh - hoàn toàn không thực tế”, Griffin khẳng định.
Trong cuộc họp hôm 17/1, các quan chức Quốc hội cũng thừa nhận an toàn là ưu tiên hàng đầu nhưng liên tục bày tỏ lo lắng về sự chậm trễ của NASA.
"Ai cũng biết Trung Quốc đặt mục tiêu vượt qua Mỹ vào năm 2045 để trở thành kẻ dẫn đầu cuộc đua trên không gian. Chúng tôi không cho phép điều này xảy ra", Hạ nghị sĩ Rich McCormick của bang Georgia nói.
Ông cho rằng nếu dành được lợi thế trong lĩnh vực vũ trụ, Mỹ sẽ bảo toàn vị thế và sức mạnh của mình không chỉ trong kinh tế, mà còn cả ngành công nghệ nói chung.
"Ai kiểm soát được không gian sẽ là người kiểm soát vận mệnh của Trái đất này", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Posey của bang Florida nói. Ông gọi vũ trụ là "vùng đất quân sự tối thượng".
"Tôi muốn Artemis thành công, đặc biệt là đánh bại Trung Quốc dưới gót chân”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Zoe Lofgren của bang California nhấn mạnh.
Trung Quốc tham vọng trở thành quốc gia thứ hai thực hiện sứ mệnh có người lái lên Mặt Trăng vào năm 2030. Ảnh: gremlin. |
Theo Business Insider, Trung Quốc dự định trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Đây được xem là nỗ lực của quốc gia tỷ dân để trở thành một cường quốc lĩnh vực hàng không vũ trụ. Chính quyền nước này đã công bố kế hoạch thành lập một căn cứ Mặt Trăng ở cực nam vào năm 2040 và chính thức hoạt động vào năm 2050.
"Chúng tôi tin chắc rằng mùa xuân của khoa học vũ trụ Trung Quốc đã đến. Chúng tôi có quyết tâm, tự tin và đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ", Thiếu tướng Jing Haipeng - đồng thời là chỉ huy sứ mệnh - cho biết.
Trước đó, nói với Politico hồi tháng 1/2023, người đứng đầu NASA Bill Nelson khẳng định rằng rằng thế giới nên cảnh giác trước các nỗ lực du hành vũ trụ của Trung Quốc. “Thực tế là chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua không gian", ông nói.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...