Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc gia Tây Phi dằn vặt với quá khứ buôn nô lệ đau thương

Lịch sử buôn bán nô lệ đau thương và gây tranh cãi của Benin đang được chính phủ nước này sử dụng để thu hút khách du lịch.

Cách nơi từng là cảng nô lệ lớn nhất của Tây Phi, điểm khởi hành của hàng triệu người bị xiềng xích, bức tượng của Francisco Félix de Souza, người được coi là cha đẻ của thành phố, đứng sừng sững giữa trời.

Francisco Félix de Souza có một bảo tàng dành cho gia đình ông và một quảng trường mang tên ông. Tuy nhiên, có một phần di sản của de Souza hiếm khi được nhắc tới. 

Sau khi từ Brazil đến đây vào cuối những năm 1700, ông trở thành một trong những nhà buôn nô lệ lớn nhất trong lịch sử buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương.

buon ban no le anh 1
Một người đàn ông đi qua tượng đài Francisco Félix de Souza ở Ouidah, Benin. Ảnh: Washington Post.

Theo Washington Post, ở Benin, nơi chính phủ có kế hoạch xây dựng hai bảo tàng về buôn bán nô lệ phối hợp với bảo tàng Smithsonian, chế độ nô lệ là chủ đề gây tranh cãi.

Benin và các quốc gia Tây Phi khác đang đấu tranh để giải quyết các di sản của chính họ trong việc dung túng cho buôn bán nô lệ. Xung đột về chế độ nô lệ của Benin đặc biệt dữ dội.

Chia rẽ và hận thù

Trong hơn 200 năm, các vị vua hùng mạnh vùng đất này đã bắt và bán nô lệ cho các thương nhân Bồ Đào Nha, Pháp và Anh. Những nô lệ thường là đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ các bộ lạc đối thủ. Họ bị bịt miệng và bị nhồi nhét vào những chiếc thuyền đến Brazil, Haiti và Mỹ.

Phần lớn việc buôn bán dừng lại vào cuối thế kỷ 19 nhưng Benin chưa bao giờ thẳng thắn đối diện với quá khứ. Hoạt động bắt và buôn bán nô lệ vẫn tồn tại trong các bộ lạc. 

Hậu duệ của các nhà buôn nô lệ, như gia đình de Souza, nằm trong số những người có ảnh hưởng nhất đất nước. Họ có thể kiểm soát cách lịch sử của Benin được ghi lại.

"Đất nước này từng gặp khó khăn để kể câu chuyện về các nạn nhân của buôn bán nô lệ. Trong khi đó, nhiều sáng kiến tưởng niệm những nhà buôn nô lệ lại được thực hiện", Ana Lucia Araujo, giáo sư lịch sử tại Đại học Howard, nói với Washington Post.

Không giống một số nước châu Phi khác, Benin đã công khai thừa nhận vai trò của họ trong buôn bán nô lệ. Năm 1992, nước này đã tổ chức một hội nghị quốc tế được UNESCO, cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc, tài trợ, về địa điểm và cách thức buôn bán nô lệ.

Năm 1999, Tổng thống Mathieu Kérékou đã đến thăm một nhà thờ ở Baltimore và quỳ gối để gửi lời xin lỗi tới người Mỹ gốc Phi vì vai trò của châu Phi trong buôn bán nô lệ.

Nhưng điều mà Benin không giải quyết được là sự chia rẽ đau đớn. Lời xin lỗi của Kérékou đối với người Mỹ gần như không có ý nghĩa đối với những công dân vẫn nhìn thấy tượng đài de Souza được tôn vinh trên thành phố Ouidah.

Ký ức về chế độ nô lệ xuất hiện ở đây theo những cách khác nhau. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi tranh luận trên truyền hình, ứng viên Lionel Zinsou đã giận dữ chỉ ra rằng đối thủ của ông, Patrice Talon, hiện là tổng thống của Benin, là hậu duệ của các thương nhân buôn nô lệ.

Ở những ngôi làng nơi người dân bị bắt cóc để bán làm nô lệ, các gia đình vẫn hỏi theo phản xạ khi nghe thấy tiếng gõ cửa rằng liệu vị khách đó là "người" hay kẻ cướp nô lệ.

"Sự phẫn nộ của chúng tôi đối với các gia đình đã bán tổ tiên của chúng tôi sẽ không bao giờ biến mất cho đến ngày tận thế", Placide Ogoutade, thương nhân thị trấn Ketou, nơi hàng nghìn người bị bắt và bị bán đi trong thế kỷ 18 và 19, bày tỏ.

Ogoutade căn dặn con cái không được kết hôn với bất kỳ ai là hậu duệ của nhà buôn nô lệ.

Phương tiện thu hút khách du lịch

"Đất nước này vẫn có sự chia rẽ giữa những gia đình có người bị bắt làm nô lệ và những người buôn bán nô lệ. Nhưng giới thượng lưu không muốn nói về những gì đã xảy ra", Olabiyi Babalola Joseph Yai, giáo sư lịch sử và ngôn ngữ học từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Florida, cho biết. Yai từng làm việc cho UNESCO ở Paris trước khi trở về quê nhà Benin.

Bảo tàng Smithsonian đã ký biên bản ghi nhớ để hỗ trợ các bảo tàng mới. Chính phủ Benin cũng bổ nhiệm một số học giả, trong đó có Yai, để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các cuộc triển lãm tại viện bảo tàng ở thành phố Allada, cách Ouidah khoảng 32 km. Nhưng ngay cả Yai cũng thắc mắc về sự sẵn lòng của chính quyền trong việc làm sáng tỏ sự thật.

"Đây có phải là sự hòa giải hay nó chỉ để thu hút khách du lịch? Đó là điều chúng ta cần thận trọng", ông nói.

Có một số lý do khiến lịch sử nô lệ của Benin bị sai lệch trong thời gian dài. Khi Benin là thuộc địa của Pháp từ năm 1904 đến 1958, người Pháp không muốn công khai vai trò của họ trong việc buôn bán nô lệ châu Phi. Sau đó, khi Benin giành độc lập, các nhà lãnh đạo đã thúc đẩy ý thức về bản sắc dân tộc, bao gồm phong trào châu Phi thống nhất.

Kể từ năm 1991, khi Benin chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, lịch sử nô lệ chủ yếu được nhìn nhận như phương tiện để thu hút khách du lịch phương Tây.

buon ban no le anh 5
Martine de Souza, 52 tuổi (trái) hậu duệ của Francisco Félix de Souza, ngồi với mẹ cô, Dagba Eulalie, 70 tuổi, tại nhà của họ ở Ouidah. Eulalie là hậu duệ của một nô lệ được đưa đến Ouidah từ nơi hiện là Nigeria vào cuối những năm 1800. Ảnh: Washington Post.

Chính quyền đang lên kế hoạch thành lập hai bảo tàng, một bảo tàng tập trung vào lịch sử của Ouidah được Ngân hàng Thế giới tài trợ dự kiến được mở vào năm tới. Bảo tàng còn lại ở Allada sẽ thể hiện sâu rộng hơn vai trò của đất nước trong buôn bán nô lệ, dự kiến được mở cửa vào năm 2020.

Họ cũng đang lên kế hoạch tái thiết pháo đài nơi các thương nhân nô lệ từng sống ở Ouidah và các phòng giam giữ nô lệ.

Chính phủ hiểu rằng để thu hút khách du lịch, họ cần giải quyết lo ngại về việc phủi bay tội lỗi của các nhà buôn nô lệ ở Benin. Các cố vấn của tổng thống cho biết tổng thống đang có kế hoạch đổi tên Quảng trường Chacha ở Ouidah, địa điểm được cho là nơi từng bán đấu giá nô lệ ngoài trời.

Nhiều thành viên của gia đình de Souza kinh ngạc trước ý tưởng này. "Ông ấy là người đã giúp hiện đại hóa đất nước chúng tôi", Judicael de Souza, 43 tuổi, lưu ý vai trò của tổ tiên trong việc mở rộng giao dịch nông nghiệp với châu Âu.

Hậu duệ của nhà buôn nô lệ

Moise de Souza, người được bổ nhiệm làm tộc trưởng mới vào cuối năm ngoái, thừa nhận vai trò của tổ tiên trong buôn bán nô lệ. 

"Đó là điều khiến tôi cảm thấy tồi tệ. Chúng tôi biết điều đó thật đau đớn và tất cả những gì tôi có thể làm là xin lỗi", ông nói. Tuy nhiên, ông không muốn công khai quan điểm này vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của gia đình.

Chacha, hay tộc trưởng mới của gia đình de Souza, có làn da nâu sáng, một đặc điểm tự hào của gia đình vì thể hiện mối liên hệ trong quá khứ của họ với thực dân.

buon ban no le anh 6
Vua Dédjalagni Agoli-Agbo của Abomey ngồi giữa các bà vợ và tộc trưởng mới của gia đình de Souza, Moise de Souza, ở Abomey, Benin, vào tháng 1. Ảnh: Washington Post.

Giữa tháng 1/2018, ông và hàng chục hậu duệ de Souza khác đã thực hiện cuộc hành hương hàng năm đến thành phố Abomey, thủ đô cũ của vương quốc Dahomey, một cường quốc khu vực trong thời kỳ tiền thuộc địa. Vương quốc Dahomey đã bán hàng trăm nghìn nô lệ cho các thương nhân như Francisco de Souza.

Sáng hôm đó, Moise de Souza bước ra khỏi chiếc SUV, đeo khăn choàng và mũ lưỡi trai viền vàng. Ông được nhà vua Dahomey tiếp đón nồng hậu với rượu champagne và những cái bắt tay.

Chế độ nô lệ không được họ đề cập tới. Khi sự kiện kết thúc, gia đình de Souza rời khỏi tòa nhà. Họ mặc trang phục bằng vải truyền thống châu Phi có màu sắc tươi sáng.

Trên một số váy và khăn choàng, khuôn mặt của một người đàn ông da trắng được in có ria mép cong và lông mày nhướn lên. Phía dưới bức ảnh, tên của người đàn ông này được in bằng chữ lớn "Francisco Félix de Souza".

Trung Quốc trọng vọng tổ tiên Lý Quang Diệu, lạnh nhạt với nhà Thaksin

Trong khi sự đón tiếp của Trung Quốc với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck không còn nồng nhiệt, di sản của tổ tiên nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu lại được tôn vinh.

Sự sống bị bào mòn tại Yemen sau 3 năm nội chiến

Sức tàn phá của cuộc chiến khốc liệt đã khiến Yemen đứng trước thảm họa nhân đạo kinh hoàng nhất hành tinh. Người dân Yemen giờ đây bị bào mòn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm