Sắc lệnh mới được Quốc hội Nicaragua thông qua ngày 14/6 cho phép 230 binh sĩ Nga đến Nicaragua từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 để phối hợp tuần tra cùng quân đội nước này.
Đây không phải động thái bất ngờ, vì Quốc hội Nicaragua năm 2012 từng thông qua luật cho phép quân đội nước ngoài vào lãnh thổ "với mục đích nhân đạo và phối hợp hành động cùng quân đội Nicaragua". Luật này bao gồm quân đội của Mỹ, Nga, Mexico, cùng một số quốc gia Trung Mỹ khác, theo Reuters.
Dù vậy, đây là thời điểm nhạy cảm khi xung đột Nga - Ukraine leo thang, và Mỹ có cơ sở để lo ngại khi quân đội Nga hiện diện tại nơi được coi là "sân sau" của Mỹ, đặc biệt khi sắc lệnh mới cho phép cả máy bay và tàu chiến Nga hiện diện.
"Chúng tôi coi đây là động thái khiêu khích của chính quyền Nicaragua", Brian Nichols, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực tây bán cầu, nói tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ.
Trong khi đó, tiến sĩ Steven Blank thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI) tại Mỹ nói đây có thể là lần hiện diện đáng kể đầu tiên của quân đội Nga ở vùng Trung Mỹ.
"Điều này sẽ là cơ sở cho hiện diện quân sự mạnh hơn của Nga ở Nicaragua và xa hơn nữa là bên ngoài đất nước này", ông Blank cho biết.
Đồng minh lâu đời
Nicaragua là đối tác quân sự và chính trị kiên định nhất của Nga trong khu vực Trung Mỹ, và mối quan hệ này đã được xây dựng từ giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Ortega là một đồng minh của Nga (khi đó là Liên Xô) kể từ những ngày ông lãnh đạo cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ nhà độc tài Anastasio Somoza. Ông Ortega giữ chức tổng thống từ năm 1985 đến 1990, trước khi tái đắc cử vào năm 2007.
Quan hệ giữa Nga và Nicaragua có những bước tiến kể từ đó, đặc biệt ở khía cạnh kinh tế và quân sự. Hồi tháng 2, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov đã gặp Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega để khẳng định sự ủng hộ của Moscow dành cho nước này - điều có thể khiến Mỹ coi là thách thức tại châu lục, theo Hill.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega (trái) gặp Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov hồi tháng 2. Ảnh: Havana Times. |
Nicaragua trước đây còn cho phép Hải quân Nga tập trận ở lãnh hải nước mình vào cuối năm 2008. Vào năm 2015, Quốc hội Nicaragua bỏ phiếu cho phép tàu chiến Nga neo đậu tại cảng nước này.
Nicaragua cũng phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ Moscow. Năm 2013, hai bên ký thỏa thuận tạo điều kiện cho Nga hiện đại hóa quân đội Nicaragua. Moscow đã bán và tài trợ nhiều thiết bị, cũng như huấn luyện cho quân đội Nicaragua.
Kể từ năm 2000, hơn 90% vũ khí nhập khẩu của Nicaragua đến từ Nga. Bán vũ khí không chỉ giúp tạo doanh thu cho Moscow, mà còn giảm ảnh hưởng của các nhà cung cấp tại Mỹ.
Nga đã bán 2 máy bay vận tải quân sự cho Nicaragua năm 2018, cũng như mở trung tâm chống ma túy một năm trước đó. Chính phủ Nicaragua cũng đồng ý đặt trạm vệ tinh tại nước này. Hợp tác quân sự đáng kể nhất phải là việc Nga tặng Nicaragua các xe tăng mà Moscow đã loại biên.
Đáp lại những hỗ trợ kinh tế và vũ khí hàng triệu USD từ Moscow, chính quyền ông Ortega đã ủng hộ lập trường của Nga trong các vấn đề quốc tế, chẳng hạn không lên án Moscow tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine.
Không chỉ một quốc gia
Ngoài Nicaragua, Nga đã tăng cường hiện diện tại những nước khác thuộc khu vực Trung và Nam Mỹ kể từ năm 2008.
Nga đã có nhiều thỏa thuận an ninh với Cuba, Argentina, Brazil và Venezuela vào năm 2014. Trong năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Cuba, Nicaragua và Venezuela để gặp lãnh đạo các nước này và thảo luận việc tạo cơ hội cho Moscow tiếp cận cảng biển và sân bay. Điều này giúp Nga có thể vận chuyển khí tài quân sự đến khu vực.
Tăng cường hợp tác đã khiến Moscow nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khu vực Mỹ Latinh. Theo Hill, việc các nước khu vực này thắt chặt quan hệ với Moscow có thể gây sức ép cho Mỹ trong cạnh tranh địa chính trị tại châu lục này.
Một vài quốc gia nơi đây đã bỏ phiếu trắng trong tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong việc lên án hành động của Moscow tại Ukraine. Trong số đó có những đồng minh thân cận như Nicaragua, Cuba và Venezuela. Ba quốc gia này đều không được mời tham dự thượng đỉnh châu Mỹ tuần trước.
Quân đội Nicaragua được triển khai đảm bảo an ninh cho bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2021. Ảnh: AFP. |
Điểm nhấn trong sắc lệnh của Nicaragua ngày 14/6 nằm ở việc không chỉ binh lính, máy bay và tàu chiến cũng được phép tới nước này để huấn luyện, thực thi pháp luật hoặc ứng phó khẩn cấp, theo Hill.
Mặc dù thực tế quân đội Mỹ cũng được cho phép tương tự, nhưng Washington khó có thể gửi binh sĩ của mình đến Nicaragua, còn Nga, Cuba và Venezuela chắc sẽ tận dụng cơ hội này.
"Bất chấp những hạn chế về kinh tế, Nga có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa với khu vực Trung Mỹ, vì Washington đang không quan tâm đầy đủ đến những sự kiện ở các nước này", tiến sĩ Blank cho biết.