Cách đây chưa đầy một tháng, người dân New Zealand đã ở yên trong nhà và rút lui khỏi các hoạt động cộng đồng. Đường phố, trường học và sân chơi đều vắng bóng người. Cửa hàng và trường học cũng bị đóng cửa.
Một ca nhiễm biến chủng Delta duy nhất đã được phát hiện tại thời điểm đó. Chính phủ nước này nhanh chóng áp đặt lệnh đóng cửa cấp độ 4, đưa ra một số hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới.
Đây là một đe dọa mới với một trong những "thành trì chống dịch" tốt nhất thế giới nhờ việc theo đuổi chiến lược “0 ca Covid-19”. Đất nước này chưa từng đối mặt với bất cứ đợt bùng phát nào do biến chủng Delta gây ra, và không có ai biết rằng liệu chiến lược trong quá khứ có phù hợp với tình hình mới này hay không, theo Guardian.
Một bức tranh ảm đạm đang hiện lên ở những quốc gia vùng biển Tasman. Australia, quốc gia đã duy trì cách tiếp cận chống dịch Covid-19 triệt để giống New Zealand, đang phải vật lộn với đợt bùng phát nghiêm trọng tại bang New South Wales và Victoria.
Chỉ gần 1/3 dân số tại hai quốc gia này đã được tiêm chủng.
Thành công kiểm soát biến chủng Delta
Nhưng hiện tại, bất chấp mối đe dọa của biến chủng mới, New Zealand “đang bẻ cong đường xu hướng của các ca nhiễm biến chủng Delta".
Giáo sư Michael Baker, một nhà dịch tễ học và chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết: “Chấm dứt đợt bùng phát này là một điều rất tốt. Tôi không dám khẳng định chắc chắn, song giờ đây, vấn đề chỉ là thời gian”.
Đường phố New Zealand vắng tanh người đi lại trong ngày đầu áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt vào 18/8. Ảnh: Reuters. |
Do cách quản lý nửa vời ở một số đất nước, tốc độ tăng theo cấp số nhân của số ca nhiễm biến chủng Delta đã khiến đường xu hướng trở nên thẳng đứng. Với nhiều quốc gia đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh, mục tiêu của họ là đưa đường xu hướng đó chuyển thành nghiêng nhằm giảm sự quá tải cho hệ thống y tế và những cái chết không đáng có.
Ở New Zealand và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác theo đuổi chiến lược “0 ca”, mục tiêu này còn tham vọng hơn. Những quốc gia này không chỉ muốn giảm bớt số ca mắc mà còn muốn "uốn cong" đường tăng trưởng, buộc các số ca mắc trở về 0, loại bỏ hoàn toàn sự lây nhiễm của virus.
Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi biến chủng Delta xuất hiện tại New Zealand, mục tiêu đó giờ đây đang trong tầm với.
Sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 8 ở mức 83 ca mỗi ngày, số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày chưa vượt qua con số 21 trong tuần qua. Vào giữa tuần, số ca mắc giảm xuống còn 15, và sau đó là 13, rồi 11.
Kiên định bất chấp mọi lời phản đối
Đó không phải là một con đường dễ dàng. Vào tháng 8, khi đợt dịch bắt đầu bùng phát, ông Baker nói với Guardian rằng đó là cơn ác mộng của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
Cách tiếp cận chống dịch của New Zealand cũng vấp phải sự phản đối. Trên bình diện quốc tế, một số quốc gia đã gọi phản ứng của quốc gia này khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là “thái quá” và không tương xứng với số ca mắc.
New Zealand vẫn "trung thành" với cách tiếp cận "0 ca". Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ trích ý tưởng theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19 là “vô lý".
Song, chính phủ New Zealand cho đến nay vẫn kiên định trong cam kết chống dịch triệt để - một chiến lược cho phép người dân duy trì cuộc sống tương đối bình thường trong suốt năm qua.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết: “Mặc dù chúng tôi biết rằng biến chủng Delta là kẻ thù nguy hiểm hơn, nhưng những hành động tương tự đã giúp chúng ta kiểm soát virus vào năm ngoái vẫn có thể được áp dụng để đánh bại nó một lần nữa”.
Diễn biến của đợt bùng phát mới nhất cũng có thể mang đến sự yên tâm nhất định cho New Zealand rằng chiến lược “phản ứng nhanh và cứng rắn” của quốc gia này có thể ngăn chặn đợt bùng phát gây ra bởi biến chủng Delta.
New Zealand cũng có cơ hội học hỏi điều gì đó từ kinh nghiệm của Australia.
Tiến sĩ Siouxsie Wiles, một nhà vi sinh vật học và là một trong những nhà truyền thông trung tâm về đại dịch của New Zealand cho biết: “Tôi nghĩ đó là một câu chuyện khiến chúng ta phải cảnh giác vào lúc này".
"Điều đó cho chúng ta biết rằng điều gì sẽ xảy ra nếu không kiểm soát được sự lây lan của virus và nếu virus ảnh hưởng tới những lao động phục vụ trong các lĩnh vực thiết yếu và nơi làm việc của họ", bà cho biết thêm.
Vẫn nên thận trọng
Các chuyên gia đã thận trọng cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Bên cạnh số ca nhiễm đang giảm dần, New Zealand cũng cần tăng tỷ lệ các ca mắc không có sự tiếp xúc với bất cứ ai, hoặc bị cách ly trong suốt thời gian nhiễm bệnh của họ.
Ông Baker cho biết: “Nếu chúng ta thấy số lượng ca nhiễm giảm cũng như không ghi nhận số ca mắc bất ngờ nào trong vài ngày, chúng ta sẽ có thể yên tâm".
Giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng nên thận trọng với tình hình Covid-19 ở New Zealand. Ảnh: AP. |
Nếu New Zealand loại bỏ thành công biến chủng Delta, một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với một quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới cực kỳ nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19.
Chính phủ nước này đã đưa ra một kế hoạch dự kiến mở cửa trở lại chỉ vài ngày trước khi đợt bùng phát bắt đầu. Tuy nhiên, từ hôm 8/9, Bộ trưởng ứng phó với Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết rằng điều này có thể cần được xem xét lại.
“Công bằng mà nói, biến chủng Delta đã thực sự thay đổi một số suy nghĩ về điều đó, ngay cả trong vài tuần qua. Biến chủng này đã làm thay đổi cuộc chơi”, ông cho biết.
Chiến lược loại bỏ Covid-19 của New Zealand đồng nghĩa với việc quốc gia này đã tránh được hầu hết thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng mà đại dịch gây ra cho đến nay. Nếu New Zealand tiếp tục muốn loại bỏ Covid-19 trong thời gian tới, đó là một lợi thế mà họ có thể tìm cách duy trì.
Tiến sĩ Siouxsie Wiles cho biết: “Tôi rất lạc quan rằng chúng ta có thể loại bỏ được Covid-19", sau đó bà dừng lại và sửa thành “lạc quan một cách thận trọng”.