Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quốc gia châu Âu 'tí hon' đối đầu Trung Quốc

Lithuania và Trung Quốc rơi vào mâu thuẫn sâu sắc từ nửa cuối năm 2021, dẫn tới việc Bắc Kinh hạ cấp quan hệ và trừng phạt thương mại quốc gia châu Âu này.

trung quoc dai loan lithuania anh 1

Tranh cãi gay gắt bất ngờ nổ ra trong những tháng gần đây, giữa một bên là Lithuania - quốc gia nhỏ với dân số chưa đầy 3 triệu ở Đông Âu, còn bên kia là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và được dự đoán sẽ sớm vượt qua Mỹ, theo CNN.

Chàng David và người khổng lồ

Mâu thuẫn bùng phát vào cuối năm ngoái, khởi đầu bằng việc Lithuania rút khỏi nhóm "17+1". Đây là tập hợp gồm 17 quốc gia ở Trung và Đông Âu được Trung Quốc mời chào tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường.

Sau khi rút lui, Lithuania thậm chí kêu gọi các thành viên EU khác rút khỏi nhóm.

Tới tháng 11/2021, Lithuania là quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện sử dụng tên gọi chính thức là "Văn phòng đại diện Đài Loan".

Mỹ và các nước EU khác chỉ cho phép hòn đảo sử dụng tên "Đài Bắc", nhằm tránh tạo ấn tượng Đài Loan là một thực thể độc lập với Trung Quốc.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết việc Lithuania cho phép sử dụng tên chính thức của hòn đảo "mở ra một lộ trình mới đầy hứa hẹn cho quan hệ song phương" giữa hai bên.

trung quoc dai loan lithuania anh 2

Văn phòng đại diện của Đài Loan ở Lithuania. Ảnh: AP.

Hiển nhiên, quyết định của Vilnius đã chọc giận Bắc Kinh. Trung Quốc yêu cầu tất cả quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với nước này tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc", không công nhận và không thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan dưới mọi hình thức.

Lithuania tuyên bố văn phòng đại diện mới của Đài Loan không mang danh nghĩa ngoại giao, bởi vậy không đi ngược nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Tuy nhiên, Bắc Kinh không hài lòng và lập tức hạ cấp quan hệ ngoại giao với Vilnius.

Lithuania sau đó cáo buộc Trung Quốc tấn công thương mại, sử dụng rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa của quốc gia Đông Âu tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân. Chính phủ Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này, đồng thời đổ lỗi cho Lithuania xâm phạm 'lợi ích cốt lõi" của mình.

Để hỗ trợ Vilnius, Đài Loan đã mua số sản phẩm của Lithuania đáng lẽ được bán cho Trung Quốc nhưng không thể xuất đi. Đài Loan cũng cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp của Lithuania.

Tranh cãi giữa Lithuania và Trung Quốc đánh động tới EU. Brussels coi việc Trung Quốc cưỡng ép thương mại Lithuania là hành vi đe dọa tới mọi thành viên của khối.

Hôm 27/1, EU khởi kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Bắc Kinh "có hành vi thương mại phân biệt đối xử chống Lithuania, ảnh hưởng tới hàng xuất khẩu của các nước EU khác".

Vụ kiện ở WTO có thể chỉ là khởi đầu cho các biện pháp cứng rắn khác của EU đối phó với Bắc Kinh.

"Trung Quốc cần nhận bài học"

Lithuania là quốc gia đầu tiên thuộc Liên Xô tuyên bố độc lập. Đầu thập niên 2000, Lithuania lần lượt gia nhập EU và NATO. Hàng loạt quốc gia Đông Âu khác cũng đi trên con đường phát triển tương tự Lithuania.

Bởi yếu tố lịch sử, việc một quốc gia như Trung Quốc có hành vi hung hăng tại Đông Âu, đặc biệt sử dụng thương mại làm vũ khí chống lại một quốc gia nhỏ hơn, làm dấy lên tâm lý phản kháng tại khu vực này.

"Trung Quốc cần học được bài học bởi tới lúc này, họ vẫn được phép hành xử theo cái cách đi ngược lại các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi chỉ đơn giản vì họ quá giàu", cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius nói.

"Các nước lớn của EU vẫn chưa phản kháng. Có lẽ từ Lithuania, tinh thần phản kháng sẽ lan rộng tới các nước khác, đến lúc đó châu Âu sẽ đoàn kết chống lại một quốc gia đi ngược lại các tiêu chuẩn của chúng tôi", ông Kubilius nói thêm.

Một trong các lý do Vilnius sẵn sàng đối đầu Bắc Kinh hơn so với các đồng minh khác là bởi Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu tương đối nhỏ của Lithuania.

Năm 2019, chỉ 1,18% hàng xuất khẩu của Lithuania đến Trung Quốc, so với Nga chiếm 13,1% hay Mỹ chiếm 3,64%. Dù vậy, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh nhất của Lithuania.

trung quoc dai loan lithuania anh 3

Trung Quốc hạ cấp quan hệ với Lithuania vì vấn đề Đài Loan. Ảnh: Xinhua.

Giới chức Lithuania cho biết việc chống lại Trung Quốc cũng giúp họ gửi đi thông điệp tới Nga.

Velina Tchakarova, Giám đốc Viện Chính sách An ninh và Châu Âu trụ sở tại Áo, cho biết Lithuania đã đối mặt sức ép của Nga suốt từ khi nước này gia nhập NATO năm 2004.

Vilnius muốn tạo ra một ví dụ để các thành viên EU nhìn vào, cho thấy Lithuania không chịu khuất phục trước sức ép chính trị từ Trung Quốc hay Nga.

Mới đây, Brussuls đã đề xuất một cơ chế pháp lý cho phép các nước thành viên EU phản ứng trước những đòn tấn công kinh tế "một cách thống nhất và có hệ thống", sử dụng những biện pháp phù hợp trong từng tình huống như thuế quan, siết chặt nhập khẩu và hạn chế tiếp cận thị trường EU.

Nhưng nhiều nước EU hoài nghi các thành viên khác sẵn sàng hỗ trợ họ một khi bị đẩy vào tình huống phải đối đầu với Bắc Kinh, đặc biệt trong trường hợp có quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc.

Hợp tác kinh tế với Trung Quốc là kế hoạch then chốt trong chiến lược tự chủ của EU nhằm trở nên độc lập hơn đối với Mỹ. EU muốn đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vì bị kẹt giữa cuộc đối đầu của hai siêu cường.

Các nước lớn trong EU, đáng chú ý nhất là Pháp, ủng hộ mạnh mẽ đường lối tự chủ chiến lược. Dù chính sách của Bắc Kinh với Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng khiến EU khó chịu, nhiều nước EU vẫn không sẵn sàng đối đầu về kinh tế với Trung Quốc.

Bà Tchakarova cho rằng bằng cách phản kháng Trung Quốc, "Lithuania tìm cách củng cố vị thế của Mỹ tại châu Âu, nhưng cũng nhằm cảnh báo Brussels và các nước EU chủ chốt (như Đức và Pháp) về rủi ro tiềm tàng trong quan hệ với Trung Quốc trong tương lai".

Thử thách cho EU

Một số chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn của Lithuania đã mang lại kết quả bước đầu. EU đã ủng hộ Vilnius và yêu cầu Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng. Đầu tháng 1, Slovenia tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ thương mại với Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Hội đồng châu Âu cho biết từ góc nhìn của Brussels, Lithuania không vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc". Nếu tiếp tục có thái độ thù địch, Bắc Kinh phải chứng minh được nguyên tắc trên đã bị vi phạm.

Sự ủng hộ của EU được coi là chiến thắng dành cho Lithuania. Mặc dù vậy, chính Lithuania cũng thừa nhận đối đầu với Trung Quốc không nên được coi là thành công.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói dù ông ủng hộ việc mở văn phòng đại diện Đài Loan, cái tên của cơ quan này tạo ra sự khiêu khích không cần thiết và Vilnius hiện phải xử lý "hậu quả".

trung quoc dai loan lithuania anh 4

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda. Ảnh: VCG.

Bắc Kinh coi tuyên bố của Tổng thống Nauseda là "khởi đầu tích cực" cho quá trình giảm căng thẳng, nhưng vẫn khăng khăng Lithuania đã vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Thời báo Hoàn Cầu mới đây đăng tải bài viết trong đó vạch ra những bước đi mà Lithuania phải tuân thủ nếu muốn khôi phục quan hệ, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ thỏa hiệp khi liên quan tới nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Về phần EU, có lẽ Brexit và đại dịch Covid-19 đã khiến giới lãnh đạo Brussels nhận ra rằng đoàn kết nội khối vì lợi ích chung đồng nghĩa cho phép các thành viên nhỏ như Lithuania sử dụng cơ chế của EU để có cơ hội phản kháng lại hành vi cưỡng ép của những cường quốc như Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng cơ hội mong manh và có lẽ là duy nhất để buộc Trung Quốc nhượng bộ là EU thể hiện sự đoàn kết ủng hộ Lithuania.

"Trung Quốc rất thành thạo trong trò chơi chia để trị, chia rẽ các nước khác. Khi các quốc gia đoàn kết cùng nhau chống lại Trung Quốc, hành vi bắt nạt của Bắc Kinh sẽ kém hiệu quả hơn, như thế sức ép lên Trung Quốc sẽ có nhiều tác động hơn", Benedict Rogers, giám đốc tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, nhận xét.

Rủi ro ở chỗ xung đột hiện nay đe dọa tới công sức mà Brussels đã bỏ ra suốt nhiều năm để xây dựng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong khi vẫn phải duy trì các giá trị đạo đức của khối. Câu hỏi là EU còn có thể duy trì cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các tiêu chuẩn đạo đức trong bao lâu.

Lithuania cân nhắc đổi tên cơ quan đại diện Đài Loan

Các quan chức Lithuania đang xem xét thay đổi tên tiếng Trung của văn phòng đại diện Đài Loan ở thủ đô Vilnius, nhằm xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh.

Lithuania đột ngột rút nhân viên ngoại giao khỏi Trung Quốc

Lithuania đã rút hết nhân viên ngoại giao khỏi Trung Quốc, không lâu sau khi Bắc Kinh hạ cấp quan hệ giữa hai nước vì xung đột trong vấn đề Đài Loan.

Ong Trump doi khac hinh anh

Ông Trump đổi khác

0

Sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald J. Trump dường như càng tự tin hơn vào trực giác cá nhân và ngày càng tuỳ hứng trong việc xây dựng nội các.

Duy Anh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm