Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lithuania cân nhắc đổi tên cơ quan đại diện Đài Loan

Các quan chức Lithuania đang xem xét thay đổi tên tiếng Trung của văn phòng đại diện Đài Loan ở thủ đô Vilnius, nhằm xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh.

Trung Quốc từ lâu luôn xem Đài Loan là một lãnh thổ của mình. Ở nhiều nơi như Mỹ và châu Âu đều lấy tên gọi văn phòng đại diện là Đài Bắc thay vì Đài Loan do lo ngại nhạy cảm chính trị.

Tranh cãi nổ ra sau khi Lithuania cho phép mở Văn phòng Đại diện Đài Loan tại thủ đô Vilnius tháng 11/2021. Đây là một sự kiện đáng chú ý khi quốc gia này bất chấp những áp lực từ Bắc Kinh và sử dụng tên gọi "Đài Loan" thay cho "Đài Bắc".

Trung Quốc sau đó đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và gây sức ép lên việc làm ăn của các công ty đa quốc gia ở nước này.

Lithuania doi ten co quan Dai Loan anh 1

Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania. Ảnh: AFP.

Động thái của chính quyền Lithuania đã kéo các công ty vướng vào tranh chấp chính trị và đặt Bắc Kinh đụng chạm tới Liên minh châu Âu (EU), khi Lithuania là thành viên của liên minh này, theo SCMP.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã đề xuất với Tổng thống Gitanas Nauseda sửa phiên bản tiếng Trung của cơ quan này thành "người Đài Loan", thay vì "Đài Loan", để giảm căng thẳng với Bắc Kinh.

Tổng thống Nauseda ngày 4/1 đã gọi việc để Đài Bắc dùng tên "Đài Loan" cho văn phòng đại diện tại Lithuania là một "sai lầm", ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

"Chính phủ có lẽ muốn nhấn mạnh rằng văn phòng không đại diện cho Đài Loan với tư cách một thực thể chính trị, mà do người Đài Loan tại Lithuania muốn lập quan hệ văn hóa, kinh tế, và các mối quan hệ khác", ông Linas Kojala, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu ở Vilnius, nói.

Tờ Global Times ngày 22/1 đã đăng một bài báo nói rằng Lithuania "sẽ cần làm nhiều hơn việc chỉ đổi tên văn phòng" nếu muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc.

"Lithuania cần thực hiện những điều chỉnh về một chính sách tổng thể đối với Trung Quốc, thay vì liên tục đi theo chương trình nghị sự của Mỹ", theo Global Times.


Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm