Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quê nhà Tổng thống Biden cũng chật vật vì lạm phát

Làn sóng lạm phát tại Mỹ không chừa bất cứ đâu, kể cả thành phố Wilmington, bang Delaware là quê nhà của Tổng thống Biden. Tình trạng này ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ dành cho ông.

Một cửa hàng bánh pizza tại thành phố Wilmington vừa phải loại bỏ nước soda khỏi thực đơn. Quản lý nhà hàng cho biết giá nước soda đã trở nên quá đắt đỏ nên không ai mua.

Cũng trong thành phố, tại một doanh nghiệp kinh doanh ôtô, các nhân viên bán hàng gặp khó khăn với việc nhập những dòng xe mới. Trong khi đó, giá các dòng xe cũ còn tăng với tốc độ nhanh hơn.

“Khi thức dậy mỗi buổi sáng, chúng tôi không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với việc kinh doanh hay với cả nền kinh tế”, ông Jim Ursomarso, phó chủ tịch doanh nghiệp ôtô nêu trên, nói.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng lạm phát lan rộng. Nhờ vaccine Covid-19, các cơ sở kinh doanh có thể mở cửa trở lại. Người dân đổ xô đi mua sắm, khiến các doanh nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu. Tình trạng này đẩy giá cả các mặt hàng lên cao.

Lạm phát tăng mạnh

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, số phiếu mà ông Biden nhận được ở Wilmington nhiều gấp 7 lần số phiếu dành cho ứng viên Donald Trump. Tuy vậy, tình trạng giá cả tăng cao khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang có dấu hiệu suy giảm.

“Ông ấy được yêu quý ở bang Delaware này. Tuy nhiên, qua thời gian, chúng tôi nghĩ sự đáp lại chưa tương xứng”, bà Serena Kelley Jefferson, đồng sở hữu nhà hàng Serena's Soulfood, nói. Bà phải bỏ món thịt cua viên khỏi thực đơn vì giá nguyên liệu quá đắt đỏ, khó thu được lợi nhuận.

lam phat tai my anh 1

Bà Serena Kelley Jefferson phải bỏ món thịt cua viên khỏi thực đơn nhà hàng vì giá nguyên liệu quá đắt đỏ. Ảnh: AFP.

Dù tình trạng lạm phát được dự báo từ trước trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn phục hồi, người Mỹ vẫn bất ngờ về quy mô của nó. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất trong 3 thập kỷ.

Theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tăng chủ yếu do giá năng lượng. Giá năng lượng tăng 4,8% trong tháng vừa qua, kéo theo giá nhiên liệu tăng 12,3%, giá thực phẩm tăng 0,9%.

Ban đầu, các sản phẩm như ôtô cũ hay vé máy bay chịu tác động nặng nề nhất của lạm phát. Tình trạng này dần lan rộng ra các mặt hàng như hàng tạp hóa, xăng dầu, dẫn tới tác động lan tỏa ra cả nền kinh tế.

“Đây là điều tồi tệ nhất mà các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các nhà hàng, phải đối mặt sau đại dịch”, ông Gianni Esposito, chủ quán pizza thường xuyên được ông Biden ghé thăm, chia sẻ.

“Giờ đây, bạn không thể tìm nhiều nhân viên”, ông nói. “Mọi mặt hàng đều đắt hơn 30, 40, thậm chí 50%”.

Tính đến ngày 12/11, nền tảng khảo sát dư luận FiveThirtyEight công bố tỷ lệ ủng hộ ông Biden sau gần 10 tháng nắm quyền là 42,8%, mức thấp thứ ba trong lịch sử.

“Dù tôi vốn không bầu cho ông Biden, trước đây tôi không phản đối ông ấy như bây giờ”, bà Candice Gronski, một kế toán 50 tuổi, nói.

Nguyên nhân lạm phát

Dù vậy, tình trạng lạm phát hiện nay tại Mỹ không hoàn toàn là lỗi của tổng thống đương nhiệm. Chính quyền đảng Dân chủ không thể kiểm soát các nhân tố góp phần gây ra lạm phát.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt quãng do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá năng lượng tăng mạnh sau khi giảm xuống mức kỷ lục năm 2020. Giá dầu thô trên thị trường quốc tế vẫn đang biến động ở mức trên 80 USD/thùng.

lam phat tai my anh 2

Giá nhiên liệu tại Mỹ tăng vọt do chịu tác động từ đà tăng của giá dầu thế giới. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ đang dư tiền mặt. Tình trạng này được cộng hưởng bởi các gói hỗ trợ và an sinh xã hội của chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trong đại dịch.

Khi đại dịch bắt đầu được kiểm soát, người dân đổ xô đi mua sắm nhiều hơn. Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt khi nhiều người lao động lựa chọn không trở lại làm việc. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu làm chậm tốc độ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ngành ôtô.

Tình trạng lạm phát nhiều khả năng sẽ gây tác động tiêu cực đến kế hoạch mở rộng dịch vụ an sinh xã hội trị giá 1.850 tỷ USD trong 10 năm của ông Biden.

“Mối đe dọa từ tình trạng lạm phát kỷ lục đối với người dân Mỹ không phải là nhất thời. Nó đang ngày càng tồi tệ”, Thượng nghị sĩ Joe Manchin, người có tiếng nói quyết định trong việc thông qua kế hoạch trên, cảnh báo.

Tuy vậy, vẫn có một số người ủng hộ ông Biden. Tại thành phố Wilmington, ông Phil Johnson, một nhân viên trong ngành tài chính, cho biết lạm phát không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của ông.

“Ông Biden phải thừa hưởng phần lớn di sản này khi nhậm chức hồi tháng 1”, ông Johnson nói. “Khoản tiền hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế rồi cũng sẽ hết. Chỉ số lạm phát sẽ không thể mãi ở mức 6%”.

Lạm phát cao ăn mòn túi tiền của người tiêu dùng Mỹ

Các thực phẩm quan trọng như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, sữa, trứng và đường đều tăng giá mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Vì sao lạm phát trở thành mối lo toàn cầu?

Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, lạm phát đã kéo dài hơn mọi dự báo trước đó.

Việt Hà (Theo AFP)

Bạn có thể quan tâm