Theo MarketWatch, lạm phát cao đang ăn mòn túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.
CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu - tăng 4,6% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991. Chỉ riêng giá xăng đã tăng 12,3% trong tháng trước, đóng góp vào hơn 50% mức tăng chung. Giá xe và thực phẩm cũng vọt lên mạnh.
Giá hàng tạp hóa đã tăng 5,4% trong năm qua, đánh dấu một trong những mức tăng lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ.
Giá thịt, gà và sữa đều tăng vọt
Thịt, gà, sữa, trứng, đường và cà phê là các sản phẩm chứng kiến mức tăng giá lớn, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Giá thực phẩm tăng đã góp phần làm lạm phát ở Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 31 năm.
Chi phí sinh hoạt tăng 6,2% 12 tháng qua (từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021). Lạm phát đang vượt xa mức tăng lương. Người Mỹ phải dành phần lớn thu nhập cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và khí đốt.
Giá trung bình của thịt xông khói trên toàn quốc đã tăng 28% từ 5,72 USD/pound (khoảng 0,45 kg) lên 7,32 USD/pound. Ở một số thành phố, giá thậm chí còn tăng cao hơn. Trong khi đó, giá trứng vọt lên 29%.
Thịt bò miếng tăng giá mạnh, khiến nhiều người tiêu dùng phải chuyển sang thịt bò xay. Tuy nhiên, ngay cả thịt bò xay - vốn phổ biến hơn - cũng trở nên đắt đỏ hơn 18% so với một năm trước. Tại Mỹ, các nhà máy chế biến thịt đã hứng chịu tác động lớn từ đại dịch, góp phần đẩy giá thịt bò tăng vọt.
"Giá thịt lợn cũng tăng vọt", ông Jim Baird - Trưởng văn phòng đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors - chia sẻ. Ông chỉ ra thịt gà và thịt lợn chiếm phần lớn bữa ăn của các hộ gia đình Mỹ.
Consumer Sentiment Index (chỉ số tâm lý người tiêu dùng) - do Đại học Michigan khảo sát - đã giảm xuống 66,8 trong tháng 11 vì lạm phát kỷ lục. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2011 và thấp hơn nhiều so với ước tính của Dow Jones (72,5).
Người tiêu dùng đang e ngại rủi ro lạm phát. Cùng với đó là sự thiếu niềm tin vào các hành động phù hợp của những nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Áp lực lớn
Lạm phát gia tăng cũng tạo áp lực, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) phải cắt giảm các biện pháp kích thích mạnh tay. Một số nhà phân tích chỉ trích rằng kế hoạch chi tiêu ồ ạt và việc nới lỏng tiền tệ của Washington trong thời kỳ đại dịch đã đẩy giá tăng vọt.
Theo quan điểm của FED, phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.
Nhưng tính đến thời điểm này, "lạm phát nhất thời" đã tồn tại lâu hơn rất nhiều dự báo của FED. Dường như áp lực lạm phát sẽ kéo dài ít nhất vài tháng nữa.
Về phần mình, Nhà Trắng đang gấp rút giải quyết vấn đề khi đảng Cộng hòa đẩy mạnh tấn công vào các chính sách của đảng Dân chủ. Họ cho đó là nguyên nhân khiến lạm phát tăng vọt.
Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ. Việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Hôm 10/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang thực hiện các bước để kìm hãm lạm phát. "Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ. Việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi", ông nhấn mạnh.
Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng lạm phát tăng cao sẽ giảm bớt trong năm tới khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lao động trên diện rộng bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ áp lực giá cả sẽ giảm đi bao nhiêu hoặc nhanh như thế nào.
Các công ty vẫn thiếu hụt nguyên liệu, từ giấy, nhôm đến chip máy tính. Trong khi đó, số lượng người Mỹ bỏ việc trong tháng 9 đã chạm mức kỷ lục 4,4 triệu người, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Điều đó tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân công ở Mỹ.
Điều này khiến các công ty không đủ nguồn lực để sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhằm theo kịp nhu cầu, từ đó đẩy tỷ lệ lạm phát tăng mạnh.
Vì sao lạm phát trở thành mối lo toàn cầu?
Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, lạm phát đã kéo dài hơn mọi dự báo trước đó.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ chạm đáy
Theo CNBC, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong vòng 10 năm sau khi lạm phát tăng kỷ lục.
Gamuda Land sắp xây chung cư ở Hải Phòng
Dự án được phát triển trên khu đất hơn 1 ha ở TP Hải Phòng, vốn đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.