Pheu Thai, đảng đối lập lớn nhất tại Thái Lan, đã chọn thành phố Chiang Mai làm điểm dừng chân cuối trong quá trình vận động trước cuộc bầu cử ngày 14/5.
Theo Nikkei Asia, sự kiện là nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục các cử tri ở miền Bắc bỏ phiếu cho Pheu Thai, nhằm giành toàn bộ 10 ghế đại diện khu vực trên tại Quốc hội Thái Lan.
Lòng trung thành và sự yêu mến của người dân ở phía bắc Thái Lan dành cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhà sáng lập đảng Pheu Thai - người sinh ra và lớn lên tại quận San Kamphaeng, là rất lớn.
Dù vậy, đảng Pheu Thai, dù được dự báo sẽ giành phần lớn số ghế đại diện cho khu vực miền Bắc, đang phải đối mặt với thách thức trong giai đoạn nước rút trước cuộc bầu cử từ đảng Tiến bước.
"Thành trì" truyền thống của đảng Pheu Thai
Các lãnh đạo của đảng Pheu Thái như ứng viên thủ tướng Srettha Thavisin, cố vấn chính sách hàng đầu như Prommin Lertsuridej và Pantongtae Shinawatra - con trai của cựu Thủ tướng Thaksin - đã tổ chức buổi vận động bầu cử tại thành phố Chiang Mai vào hôm 10/5.
Đây là sự kiện thứ 4 được đảng Pheu Thai tổ chức ở khu vực này kể từ tháng 2. "Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng đảng Pheu Thai sẽ giành một chiến thắng mang tính biểu tượng", Srettha trả lời Nikkei Asia.
Ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai Srettha Thavisin (vòng hoa vàng), cùng người ủng hộ trong buổi vận động ở thành phố Chiang Mai. Ảnh: Nikkei Asia. |
Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin và ứng viên thủ tướng còn lại của đảng Pheu Thai, cũng phát biểu thông qua video tại buổi vận động bầu cử. Bà hứa sẽ đem con trai thứ 2 của mình, vừa sinh hôm 1/5, đến thành phố Chiang Mai.
Gia đình nhà Shinawatra đã trở thành tâm điểm chú ý lớn trong 2 tuần trước cuộc bầu cử. Vào hôm 9/5, cựu Thủ tướng Thaksin đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter về dự định về nước vào tháng 7, trước sinh nhật thứ 74 của ông.
Cựu thủ tướng Thái Lan buộc phải sống ở nước ngoài trong thời gian dài do đối mặt với án tù giam nếu trở về nước. "Đã gần 17 năm kể từ khi tôi phải rời xa gia đình. Tôi đã quá già rồi", ông cho biết.
Cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và lựa chọn sống lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 2008.
Đối thủ bất ngờ
Sức hút của ông thông qua mạng xã hội Twitter được kỳ vọng sẽ lôi kéo các cử tri của đảng Pheu Thai đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 14/5, đồng thời giành lại một phần sự ủng hộ bị đảng Tiến bước lấy đi trước đó.
Tại quận một của thành phố Chiang Mai, ứng viên của đảng Tiến bước Petcharat Maichomphu muốn giành được ghế nghị sĩ mà đảng Pheu Thai chiến thắng vào năm 2019 với cách biệt chỉ 700 phiếu.
Khu vực trên, bao gồm trung tâm của Chiang Mai và các trường đại học của thành phố, có phần lớn cử tri là những người trẻ, nguồn ủng hộ chính của đảng Tiến bước.
Trong cuộc bầu cử sắp tới, khoảng 7 triệu cử tri Thái Lan sẽ có lần đầu đi bỏ phiếu. Những người này được dự đoán sẽ tạo động lực cho đảng Tiến bước, giúp thu hẹp cách biệt với đảng Pheu Thai.
"Xã hội đã thay đổi. Trong quá khứ, cha mẹ có thể bắt con cái bầu cho người mà họ muốn. Giờ đây mọi thứ đã đảo chiều", theo Norrapol Tantimontri, một ứng viên của đảng Palang Pracharath cầm quyền tại quận 10 của thành phố Chiang Mai.
Đảng Tiến bước có nhiều thời gian để xây dựng các phong trào ủng hộ ở cấp địa phương hơn tổ chức tiền nhiệm của mình, đảng Tương lai Phía trước.
Đảng Tương lai Phía trước đứng thứ 3 trong cuộc bầu cử vào năm 2019 bất chấp việc được thành lập chỉ một năm trước sự kiện này.
Để đối chọi với mạng lưới các cơ sở địa phương có nguồn kinh phí ổn định của Pheu Thai, đảng Tiến bước đã lập ra Phong trào Tiến bộ.
Ứng viên Petcharat Maichomphu vận động bầu cử trên thùng xe tải tại thành phố Chiang Mai. Ảnh: Nikkei Asia. |
Đây là một quỹ từ thiện được vận hành bởi các lãnh đạo cũ của đảng Tương lai Phía trước nhằm gây thiện cảm với người dân thông qua các dự án cộng đồng như cung cấp nước sạch, chăm sóc trẻ em và khám chữa bệnh từ xa.
"Mọi người nhận ra rằng nếu họ muốn có thêm các dự án tương tự, họ phải bầu cho đảng Tiến bước", Kunthida Rungruengkiat, giám đốc Phong trào Tiến bộ, cho biết.
Chia rẽ trong các đảng dân chủ
"Chúng tôi luôn minh bạch trong chính sách của mình. Mọi người thấy sự minh bạch mà họ muốn từ các đảng chính trị khác", Kunthida, một người con của thành phố Chiang Mai, là nghị sĩ đại diện cho đảng Tương lai Phía trước tại Quốc hội Thái Lan cho đến khi đảng này giải thể vào năm 2020.
Trong quá trình tranh cử kéo dài 2 tháng qua, sự chia rẽ đã xuất hiện giữa các đảng theo đường lối dân chủ ở Thái Lan. Trong khi Pheu Thai đặt mục tiêu giành được 310 ghế nghị sĩ để nắm thế đa số tại Quốc hội, đảng Tiến bước muốn đạt được điều này bằng cách thành lập một liên minh.
Mỗi đảng đều nghi ngờ tổ chức còn lại có hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật. Các đối thủ lập luận rằng chính sách bãi bỏ luật quân dịch của đảng Tiến bước là hành động giải tán quân đội.
Trong khi đó, các đối thủ của Pheu Thai đã tận dụng việc đảng này né tránh lên án sự tham gia của quân đội trong nền chính trị Thái Lan.
Cũng có tin đồn đảng này muốn liên minh với Palang Pracharath, tổ chức do Phó thủ tướng Palang Pracharath lãnh đạo. Prawit và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha là các nhân vật đứng sau cuộc đảo chính năm 2014.
"Chúng tôi không có thỏa thuận liên minh với các vị tướng quân đội. Chúng tôi có sự khác biệt về nguyên tắc. Tại sao Pheu Thai lại phải làm việc với những người chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính và tình trạng suy thoái kinh tế", ông Srettha cho biết.
Bên ngoài thủ đô Bangkok, kết quả các cuộc bỏ phiếu thường dựa vào các gia đình chính trị và cá tính của ứng viên. Tại quận 10 của thành phố Chiang Mai, Palang Pracharath hy vọng sự chia rẽ giữa Pheu Thai và Tiến bước sẽ tạo cơ hội cho ứng viên của đảng này.
Tương tự, đảng Pheu Thai muốn giành được thêm từ 3 đến 5 ghế nghị sĩ ở khu vực phía nam bằng cách tận dụng sự chia rẽ của cử tri bảo thủ giữa Quốc gia Thái Lan Thống nhất và đảng Palang Pracharath.
Với vị thế ngày càng lớn mạnh của đảng Tiến bước với cử tri ở nhiều nhóm tuổi, một số nhà lãnh đạo của Pheu Thai đã bỏ ngỏ khả năng thành lập một liên minh cầm quyền.
Mặc dù vậy, ngay cả khi cuộc đua tại một hoặc hai quận của Chiang Mai trở nên sít sao, ông Srettha vẫn tự tin về chiến thắng của Pheu Thai ở miền Bắc với kết quả là một thủ tướng của đảng này sẽ lãnh đạo Thái Lan.
"Thủ tướng sẽ đến từ đảng Pheu Thai. Mọi thứ không có lý nếu chúng tôi giành được 220 ghế nghị sĩ nhưng lại nhường vị trí thủ tướng cho đảng khác", ông cho biết.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.