Rác thải và phao xốp trôi đạt đầy trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Quốc Nam. |
Gần đây, khu vực biển vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh xuất hiện tình trạng rác thải trôi dạt đầy trên mặt biển, xâm nhập vào khu vực vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long.
Tính đến ngày 26/4, lực lượng bảo vệ môi trường đã vớt được hàng triệu quả phao xốp cùng rác thải trôi nổi trên biển, đưa lên bờ để chờ xử lý.
Các địa phương chủ động thu gom và xử lý
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh, cho biết sau khi xuất hiện tình trạng lượng lớn phao xốp từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trôi trên vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long, Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động phương án và nguồn kinh phí để thu vớt lượng rác thải này tránh lượng rác thải trôi dạt lan rộng ra các khu vực xung quanh.
Đối với phương án xử lý rác thải thu gom được, sở tư vấn, giới thiệu một số mô hình xử lý phao xốp an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Với những loại phao xốp có thể tái chế thì đưa vào nhà máy ở KCN Hà Khánh, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, để băm ra, chế biến hành các hạt nhựa.
Phương án thứ hai có thể xử lý được khối lượng lớn hơn là đưa vào lò đốt của nhà máy xi măng Lam Thạch (TP Uông Bí) hoặc xi măng Thăng Long (TP Hạ Long), hai nhà máy này có giấy phép sử dụng phao xốp thay cho một phần nguyên liệu truyền thống là than và dầu.
Ngoài hai nhà máy trên, nhà máy xi măng Cẩm Phả, TP Cẩm Phả, cũng đang đốt thử nghiệm phao xốp để xin giấy phép.
Hàng triệu quả phao xốp cùng rác thải được thu gom khi đang trôi nổi trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Quốc Nam. |
Trao đổi với Zing, ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết huyện lên hai phương án để xử lý số phao xốp còn tồn tại trên vùng biển. Đối với lượng phao xốp vụn, phao xốp trôi nổi trên vịnh, huyện ký hợp đồng với công ty xi măng Thăng Long để tổ chức thu gom, vận chuyển về nhà máy đốt, tiêu hủy theo đề xuất của Sở TNMT.
“Đối với lượng phao xốp còn lại, chúng tôi xử lý theo hướng tái chế. Người dân thu gom lại và liên hệ với các đơn vị nhà máy tái chế để xử lý. Huyện hỗ trợ người dân trong việc phá dỡ, thu gom và đưa vào bờ”, ông Vũ cho biết thêm.
Đại diện huyện Vân Đồn thông tin mỗi ngày vớt được khoảng 1.000 quả phao xốp. Chi phí để đưa một quả phao xốp về bờ là khoảng 12.000 đồng, chưa tính chi phí xử lý. Toàn bộ kinh phí này đều do huyện tự chi trả.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết thành phố đưa toàn bộ số phao xốp vợt được trên vùng biển vịnh Hạ Long vào Khu công nghiệp Hà Khánh (phường Hà Khánh) để giao cho doanh nghiệp có giấy phép xử lý theo phương án tái chế.
Ông Minh cho biết thêm sau khi tham khảo hai phương án xử lý của Sở TNMT, thành phố không chọn phương án đốt do quãng đường di chuyển vào nhà máy tái chế ngắn hơn so với việc vận chuyển đến các nhà máy xi măng để đốt.
Hiện tại bãi tập kết phao xốp nằm tại cảng thuộc Ban quản lý vịnh Hạ Long (phường Hồng Gai) đã được thu gom và vận chuyển vào trong Hà Khánh. Số phao xốp thu gom trên vịnh hàng ngày sẽ được chuyển bằng tàu vào khu vực cảng Hà Khánh.
Giám sát chặt chẽ việc thu gom xử lý phao
Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu trong quá trình thu gom, cưỡng chế phải có sự giám sát của địa phương để mang đi xử lý theo quy định, tuyên truyền người dân thay thế phao xốp bằng vật liệu HDPE.
Ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch huyện Vân Đồn, cho biết thêm huyện thành lập 3-4 tổ giám sát ở mỗi xã, thường xuyên tuần tra và giám sát việc thu gom.
“Chúng tôi yêu cầu các xã phải rà soát các hộ trồng thủy sản có sử dụng phao xốp và tham gia cùng người dân thu gom. Các hộ dân nếu tái chế phải cam kết xử lý không để rác thải trôi trên biển, đồng thời kéo toàn bộ số phao xốp, lồng bè vào bờ”, ông Vũ cho biết.
Vùng nuôi trồng thủy sản của TP Hạ Long được thay thế từ phao xốp sang vật liệu HDPE. Ảnh: Quốc Nam. |
Theo ông Vũ, năm 2023, địa phương cần chuyển đổi khoảng 1,47 triệu phao xốp sang vật liệu mới HDPE, trong đó xã Đông Xá và Bản Sen là hai vùng nuôi trồng thủy sản cần chuyển đổi lớn nhất với gần 600.000 quả phao xốp.
Đại diện Sở TNMT Quảng Ninh cho rằng để đảm bảo lâu dài trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển, Sở khuyến nghị người dân chủ động thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi mới.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.