2021 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với mục tiêu xây dựng phát triển thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030, Quảng Ninh đưa ra nhiều định hướng và giải pháp cụ thể.
Mục tiêu đề ra
Phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại của phía Bắc, Quảng Ninh ưu tiên phát triển toàn diện trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt hơn 10.000 USD.
Quảng Ninh dự kiến cơ cấu kinh tế năm 2025: Ngành công nghiệp - xây dựng đạt 49-50%; dịch vụ đạt 46-47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3-5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng hơn 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 11%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt hơn 75%.
Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 15 nhiệm kỳ 2020-2025, công tác tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đã được thông qua.
Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược cần được đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Tỉnh cũng mong muốn xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Quảng Ninh phấn đấu xây dựng phát triển thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030. |
Định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong tương lai, tỉnh sẽ là đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD. Bên cạnh đó, tỉnh trở thành khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Những giải pháp trọng tâm
Để hướng tới mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2030, Quảng Ninh đưa ra 3 nhóm giải pháp cụ thể. Đầu tiên, tỉnh sẽ kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực thi kỷ luật Đảng, gắn kết chặt chẽ với thanh tra, kỷ luật hành chính.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh chủ trương phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh yêu cầu đảm bảo tiêu chí "nhanh và bền vững": Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước phát triển kinh tế số.
Quảng Ninh xác định ngành du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững ngày càng giữ vai trò chủ đạo và sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP.
Bên cạnh đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tăng nhanh, ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp thông minh có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, tạo đột phá đóng góp vào GRDP và thu ngân sách. Tỉnh cũng nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo.
Quảng Ninh xác định đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu phát triển hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; tập trung phát triển bền vững hành lang kinh tế, đô thị ven biển gắn với hành lang giao thông đồng bộ, hiện đại ngày càng hoàn thiện của tuyến phía tây và tuyến phía đông.
Tỉnh sẽ tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; thúc đẩy tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra nhiều trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế.
Cụ thể, một số dự án cần được tập trung nguồn lực để hoàn thành gồm: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây, cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các dự án hạ tầng động lực của thành phố Hạ Long. Tỉnh đồng thời phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư bằng ngân sách của tỉnh và vốn BOT. |
Với mong muốn thúc đẩy kinh tế bền vững, Quảng Ninh xác định cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hoàn thành quá trình chuyển đổi số vững chắc; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Nhóm giải pháp thứ ba được tỉnh đề ra là đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Quảng Ninh quyết tâm mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển. Cùng với đó, tỉnh xây dựng và củng cố xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Bình luận