Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải được công bố tại hội nghị trực tuyến ngày 17/9, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng cơ bản hoạt động vận tải biển và dịch vụ logistics vẫn giữ được sản lượng đề ra.
Cụ thể, chỉ số logistics của Việt Nam đứng thứ 39 trong 160 nước tham gia xếp hạng. 8 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa đường biển ước đạt 54,5 triệu tấn, tăng 5%. Sản lượng luân chuyển hàng hóa đạt 111,6 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Là một cực trong tam giác kinh tế tăng trưởng phía bắc, Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp trong mục tiêu duy trì hoạt động vận tải biển và dịch vụ logistics thời gian qua. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng giao thông hiện đại cùng dịch vụ đa dạng được xem là những yếu tố quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Những lợi thế quan trọng
Tỉnh Quảng Ninh có 250 km bờ biển kéo dài với trên 6.000 km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng. Tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc.
Cảng biển hiện đại tạo điều kiện phát triển cho kinh tế Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau một thời gian đầu tư xây dựng và phát triển giao thông đường thủy, Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại thuộc nhóm I - nhóm quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế.
Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía bắc. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng bình quân 16%/năm.
Để có được kết quả như trên, cả hệ thống chính trị từ địa phương đến cơ sở đã chung tay vào cuộc, lên kế hoạch, xác định rõ lộ trình, giải pháp và phân công nhiệm vụ chi tiết để tạo thuận lợi cho vận tải biển, dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ.
Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao thời gian qua là việc tích cực ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền đến cảng tại các đơn vị có liên quan như hải quan, biên phòng, Cảng vụ Hàng hải.
Tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, thủ tục điện tử cấp độ 4 được áp dụng thực hiện đối với tất cả tàu biển đến, rời cảng biển Quảng Ninh. Từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ điện tử được phê duyệt trên cổng thông tin một cửa quốc gia của đơn vị đạt gần 5.600 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%.
Cảng biển Quảng Ninh được xếp vào loại quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, giúp duy trì phát triển sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua cảng biển Quảng Ninh. Từ đầu năm đến nay, hàng hóa thông quan qua cảng đạt trên 60,4 triệu tấn, đạt 82% so với cùng kỳ. Tổng số lượt tàu thuyền thông qua cảng đạt gần 72.000 lượt.
Kế hoạch phát triển trong tương lai
Tại cuộc họp toàn quốc tháng 9 của Bộ Giao thông Vận tải, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận những khó khăn vướng mắc về hoạt động vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Nhiều vấn đề được hội nghị đưa ra để tìm giải pháp tháo gỡ gồm: Khó khăn về sản lượng vận chuyển, luân chuyển; giá cước vận chuyển container tăng cao, tình trạng thiếu hoặc container rỗng làm ảnh hưởng hiệu suất vận tải; thời gian quy định giấy tờ, thủ tục vào cảng; tiêm vaccine cho các đối tượng liên quan đến hoạt động tàu trên biển…
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - yêu cầu các địa phương phối hợp bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng chính sách về vận tải, logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu để thúc đẩy và tái cơ cấu vận tải. Các bên cũng cần tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao thông vận tải, ưu tiên dành nguồn vaccine cho đối tượng tham gia vận tải và logistics.
Từ những giải pháp được nêu ra, Quảng Ninh lên kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng. Tỉnh tập trung phát triển khu hậu cần đủ lớn tại các cảng biển với hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, luân kho, lưu chuyển, logistics.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật, triển khai linh hoạt các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo thuận lợi, phục vụ tốt hơn việc cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng, làm cơ sở phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển bền vững.
Quảng Ninh lên kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng. Ảnh: Quốc Nam. |
Lộ trình phát triển và mục tiêu phấn đấu cũng được chính quyền tỉnh đặt ra cụ thể trong từng giai đoạn. Giai đoạn 2019-2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% GRDP của tỉnh. Sản lượng hàng hóa phấn đấu đạt 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt.
Đến giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp 3-3,5% GRDP của tỉnh.
Đến năm 2045, tỉnh định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch.
Trong đó, khu bến Yên Hưng (đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên) được tập trung khai thác tối đa quy hoạch để trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển khu vực miền Bắc, là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống cảng của TP Hải Phòng.
Bình luận