Trải qua một năm nhiều biến động, Quảng Ninh vẫn giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định - phát triển”. Tỉnh hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy đối mặt không ít khó khăn, tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng 2 con số, ghi nhận nhiều thành quả tích cực trong công tác an sinh xã hội, việc làm.
Phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả
Tính đến nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất cả nước. Từ đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, tỉnh đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nhờ đó bảo vệ an toàn cho sức khỏe người dân, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động xã hội.
Để đẩy lùi dịch bệnh, tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine thần tốc, nhanh chóng tạo độ phủ mũi 2 với tỷ lệ cao. Tính đến 12/12, toàn tỉnh có 1,105 triệu người được tiêm vaccine, trong đó 1,064 triệu người tiêm 2 mũi, 40.548 người tiêm mũi 1. Tỉnh giữ vững vùng xanh với 13/13 huyện, 172/177 xã duy trì tình hình hình dịch ở cấp 1.
Quảng Ninh thực hiện chiến dịch tiêm vaccine thần tốc. |
Theo đại diện tỉnh, thành quả này có được nhờ sự đồng lòng chống dịch của người dân, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đã triển khai linh hoạt, kịp thời chiến lược, giải pháp phòng chống dịch, bám sát vào chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế.
Một trong những chiến lược nổi bật của tỉnh là thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, mang đến nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn cao điểm. Theo đó, 3 trước là nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước. Còn 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Công tác phòng dịch ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm chỉnh. |
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai kế hoạch kết nối, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm với cơ sở dữ liệu đến tận cấp xã. Nhờ vậy, tính đến 15/11, toàn tỉnh có 102.152 điểm kiểm soát dịch bằng mã QR Code, đạt 691.320 lượt tải về ứng dụng PC Covid, tương ứng 52,35% PC Covid có số điện thoại/dân.
Tuy tập trung nguồn lực vào mục tiêu giữ vững vùng xanh trên địa bàn, tỉnh vẫn nỗ lực tiếp sức cho công cuộc đẩy lùi dịch bệnh của cả nước, chung tay thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Tỉnh ủng hộ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 số tiền 100 tỷ đồng. Trong giai đoạn cao điểm của làn sóng dịch lần thứ tư, Quảng Ninh điều động 6 đoàn công tác gồm 820 y, bác sĩ, nhân viên ý tế hỗ trợ 5 tỉnh thành phố.
Tăng trưởng kinh tế 2 con số
Nhờ kiểm soát tình hình dịch tốt, Quảng Ninh duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết nhóm ngành. Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP hai con số là 10,1%, cao hơn 0,81 điểm % so với cùng kỳ năm trước (9,21%).
Khu vực II - Công nghiệp và xây dựng - là động lực quan trọng của nền kinh tế Quảng Ninh, chiếm 52,8% trong cơ cấu, đóng góp 6,7 điểm % cho tăng trưởng GRDP. Khu vực này tập trung 3 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế tỉnh là khai khoáng, điện và chế biến, chế tạo, lần lượt là 17,8%, 15,9% và 11,9%. Riêng ngành than đóng góp 36% trong thu ngân sách nội địa, với sản lượng 47,616 triệu tấn, tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngành điện và chế biến, chế tạo lần lượt đạt mức tăng trưởng là 4,25% và 31,94%.
Ngành khai khoáng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Khu vực I - Nông, lâm nghiệp và thủy sản - gặt hái được nhiều kết quả khả quan, đạt mức tăng trưởng 4,2%, đóng góp 0,2 điểm % cho mức tăng trưởng GRDP. Trong khi đó đó, khu vực III - dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch và các đợt giãn cách xã hội. Cụ thể, lượng khách du lịch đến tỉnh giảm mạnh đến 49% so với cùng kỳ, đạt 4,44 triệu lượt.
Tuy nhiên, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng ở khu vực dịch vụ vẫn đạt 6,6%, tăng 0,63 điểm % so với cùng kỳ nhờ chính sách đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa. Thất thu từ du lịch nhưng tỉnh được bù lại ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu, vận tải, kho bãi hàng hóa, với mức tăng trưởng lần lượt là 11,18%, 9,39%, 11,52% so với cùng kỳ.
Lượng du khách đến Quảng Ninh sụt giảm 49% do ảnh hưởng của đại dịch. |
Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, trong năm qua, Quảng Ninh đẩy mạnh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với nhiều dự án chiến lược. Về đầu tư công, tỉnh đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Vân đồn - Móng Cái, tuyến đường biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửu Lục 1, cầu Cửu Lục 3...
Bên cạnh đó, các công trình có vốn đầu tư ngoài ngân sách được chú trọng hoàn thiện như dự án trong khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, dự án nhà may mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả…
Nỗ lực tiếp sức người lao động
Song song với tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu về an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch chi phối sâu rộng đến đời sống người dân, đồng thời nỗ lực tập trung tăng cường chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác giáo dục, đào tạo.
Cụ thể, tính đến 19/11, tỉnh đã hoàn tất hỗ trợ 5.637 doanh nghiệp, 421.481 người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 611,459 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh dành 4.000 tỷ đồng từ ngân sách đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Quảng Ninh chi 611.459 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Năm qua cũng chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực trong thị trường lao động của tỉnh khi tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tỉnh đã tổ chức vấn việc làm, học nghề, chính sách phúc lợi cho hơn 14.350 lượt lao động. Cùng với đó, tỉnh giới thiệu việc làm cho 4.760 người và hỗ trợ tuyển dụng lao động cho 530 lượt doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh tập trung xây dựng chính sách thu hút sinh viên chất lượng cao vào trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử, lượng đăng ký xét tuyển vào Đại học Hạ Long tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020, đạt 5.955 thí sinh; trong đó số thí sinh trúng tuyển và nhập học là 1.682, gấp 1,44 lần năm trước.
Tỉnh triển khai chính sách thu hút sinh viên nhập học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. |
Với tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trong năm, Quảng Ninh đặt nhiều mong đợi cho 2022 khi tình hình dịch bệnh diễn biến lạc quan hơn. Tỉnh kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng tăng trưởng GRDP hai con số, trên 10%. Cùng với đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD.
Để đạt được con số này, tỉnh gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển con người, mong muốn cải thiện tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 11%. Tỉnh kỳ vọng nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 85,85%, trong số này có 47,5% người có bằng cấp, chứng chỉ. Cùng với đó, Quảng Ninh sẽ chú trọng thực hiện hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả dịch Covid-19.
Bình luận