Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quảng Nam ứng hơn 21,9 tỷ chi cho nhân viên y tế bị nợ lương

Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho biết đơn vị đã tham mưu HĐND tỉnh thông qua việc tạm ứng hơn 21,9 tỷ đồng để các bệnh viện trả lương cho nhân viên bị nợ trong nhiều tháng qua.

Ngày 19/1, HĐND tỉnh sẽ họp để thông qua đề xuất, sớm chi trả cho người đang bị nợ lương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 14 cơ sở y tế hụt thu nên thiếu kinh phí trả lương, dự kiến tổng số hụt thu cần hỗ trợ là 31 tỷ đồng. Trước mắt, UBND tỉnh tạm ứng 70% số tiền trên.

"Phần còn lại sẽ chờ chủ trương chính thức từ các cơ quan trung ương", ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam nói với Zing.

nhan vien y te o Quang Nam bi no luong anh 1

Hơn 40 nhân viên y tế trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương nhiều tháng. Ảnh: Thanh Đức.

Trước đó, bà N.H. (bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam), cho biết hơn 3 tháng qua, bà chưa được bệnh viện chi trả lương. "Tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo bệnh viện về việc thiếu tiền lương, tuy nhiên họ nói chưa có nguồn chi và chờ bảo hiểm xã hội cho tạm ứng mới có tiền chi trả lương. Thế nhưng, tôi chờ hơn 3 tháng rồi mà tiền lương vẫn bị nợ", bà H. cho hay.

Cũng như bà H., chị H.P. (nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam), cho hay chị ký hợp đồng dài hạn tại bệnh viện với mức lương 4,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay chị chưa được trả lương.

"Việc này gây khó khăn trong sinh hoạt, mọi khoản chi tiêu trong gia đình tôi phải đi vay mượn bạn bè và người thân. Tôi mong trước Tết Nguyên đán được trả lương để lo cho gia đình”, chị P., chia sẻ.

Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đăng Y tế Quảng Nam, cho biết bệnh viện có khoảng 40 người là cán bộ, người lao động của bệnh viện bị nợ tiền lương.

Theo ông Tuấn có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình nợ tiền lương của cán bộ, người lao động trong bệnh viện. Thứ nhất việc vượt trần, vượt quỹ của những năm trước không được bảo hiểm xã hội thanh toán nên dẫn đến mất cân đối thu chi. Bên cạnh đó, dư nợ tạm ứng của những năm trước quá lớn.

Thứ 2, bảo hiểm xã hội không cho tạm ứng tiếp, trong khi bệnh viện phải tự chủ hoàn toàn, việc tinh giản bộ máy cũng rất khó khăn.

"Ngoài ra, 2 năm qua dịch Covid-19 phức tạp, bệnh viện rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh, nên không đủ nguồn để chi lương”, ông Tuấn nói.

Vì sao nhân viên y tế ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương kéo dài?

Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm việc nợ lương của cán bộ, viên chức tại đây.

Thanh Đức

Bạn có thể quan tâm