Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quang Huy: ‘Cơ chế quản lý phim Việt đang bị thụt lùi so với âm nhạc’

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Quang Huy cho rằng cần có cơ chế đối thoại cởi mở hơn giữa nhà làm phim và Hội đồng thẩm định.

Quang Huy anh 1

Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh thu hút sự quan tâm của giới làm phim suốt thời gian qua. Tồn tại với nhiều bất cập, theo các nhà làm phim, Luật Điện ảnh cần cập nhật và thay đổi để phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Trao đổi với Zing về vấn đề này, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Quang Huy cho hay nội dung chủ đạo anh muốn kiến nghị thay đổi là cơ chế làm việc của Hội đồng thẩm định phim.

Hội đồng thẩm định đang hoạt động với cơ chế một chiều

Theo quy định, để phim được cấp phép phải nhận được sự đồng ý từ Hội đồng thẩm định. Họ đồng thời có quyền yêu cầu nhà làm phim sửa đổi, chỉnh sửa nếu cảm thấy có những phân đoạn chưa phù hợp. Trước các quyết định của Hội đồng thẩm định, nhà làm phim không có quyền trao đổi, nêu ý kiến hay khiếu nại. Tôi cho rằng đây là cơ chế một chiều, thiếu công bằng với nhà làm phim.

Trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, tôi nghĩ khó bỏ qua cơ chế kiểm duyệt phim. Nhưng làm thế nào kiểm duyệt mà không ảnh hưởng, kìm kẹp sự phát triển của điện ảnh. Nếu chưa thể bỏ qua tiền kiểm, chỉ kiểm duyệt dán nhãn phân loại độ tuổi mà không can thiệp cắt dựng thô bạo vào nội dung phim thì trước hết, tôi nghĩ cần có thay đổi ở cơ cấu Hội đồng thẩm định phim.

Quang Huy anh 2

Đạo diễn Quang Huy trong sự kiện ra mắt phim Trái tim quái vật. Ảnh: CGV.

Cụ thể cần đa dạng thành phần Hội đồng thẩm định, có sự góp mặt của nhiều người làm phim, nhà sản xuất, đại diện cụm rạp thương mại... Họ là những người có tiếng nói, tư duy tầm nhìn sát sao với nền điện ảnh, đồng cảm với nhà làm phim để cân bằng được việc nhìn nhận rủi ro và cơ hội trong một bộ phim mà đưa ra quyết định.

Hội đồng duyệt phim hiện tại thiếu những góc nhìn mang tính xây dựng cho nền công nghiệp điện ảnh. Họ có tâm lý “cắt sạch” những gì đang bị cho là rủi ro mà thiếu sự quan tâm đến số phận của bộ phim và nhà làm phim.

Và thành phần của Hội đồng thẩm định nên đa dạng nhiều vùng miền hoặc am hiểu văn hóa địa phương. Từ trước đến nay, thành phần của hội đồng đa số ở miền Bắc. Do đó, một số văn hóa của miền Nam, miền Trung hay Tây Nguyên sẽ bị xa lạ với Hội đồng thẩm định. Đã có trường hợp một bộ phim bị yêu cầu cắt bớt thoại đoạn xưng hô “mày, tao” của một người cha Nam Bộ với người con trưởng thành vì “phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục”.

"Hội đồng thẩm định có tâm lý cắt sạch những gì bị cho là rủi ro, mà thiếu sự quan tâm đến số phận của bộ phim và nhà làm phim".

Trong khi đó là văn hóa địa phương rất bình thường của người dân nông thôn Nam Bộ. Hơn nữa, đa số phim đi do doanh nghiệp đặt trụ sở tại TP.HCM sản xuất, tại sao không có hội đồng ở đây.

Để công bằng hơn với nhà làm phim, tôi đề xuất minh bạch thành viên Hội đồng thẩm định, có cơ chế đối thoại trước khi ra quyết định chính thức về số phận bộ phim, thông tin được mở cho báo chí và khán giả hiểu rõ điều gì đang xảy ra với tác phẩm. Nhà làm phim chúng tôi hầu như không biết các anh chị, cô chú trong hội đồng là ai một cách chính thức và càng không thể gặp gỡ hay đối thoại nếu phim có vấn đề.

Cắt một cảnh phim, nhà sản xuất có thể mất hàng chục tỷ đồng

Hội đồng thẩm định có thể dễ dàng yêu cầu cắt bỏ một cảnh phim mà họ cho rằng không phù hợp chỉ với vài dòng bút phê vào biên bản kiểm duyệt, đề nghị cắt cảnh này vì phản cảm, đề nghị cắt bớt “vài chữ” trong các đoạn thoại hoặc cắt hẳn gần hết một tuyến nhân vật nào đấy.

Trước giờ, dư luận và báo chí thường tỏ ra “thương hại, tội nghiệp” các bộ phim bị cắt vài phút vì quan niệm vài phút đấy là biết bao nhiêu tiền mồ hôi công sức của nhà sản xuất. Ngay cả các nhà làm phim khi than khóc cũng dùng lập luận đấy.

Tôi muốn đính chính lại, việc mất vài phút phim không phải là mất đi vài trăm triệu hay vài tỷ đồng đã bỏ ra quay. Một bộ phim 100 phút, nhà làm phim thường quay đến 150-200 phút thậm chí hơn rồi về cắt dựng, đấy là việc bình thường.

Cái dã man ở đây là ở ngành làm phim, chỉ ba vị trí có năng lực và quyền cắt dựng phim, gồm người dựng phim (editor) và đạo diễn hoặc nhà sản xuất. Và người dựng phim giỏi có thể cắt bớt cảnh, hoặc đảo thứ tự cảnh, sắp xếp lại trình tự các cảnh khiến một bộ phim từ hay trở nên xuất sắc, hoặc cứu một bộ phim có vẻ như thảm họa trở thành tốt. Ngược lại, một người dựng phim tồi có thể cắt dựng một bộ phim tốt trở thành thảm họa.

Do đó, các nhà kiểm duyệt đang đưa ra những quyết định mang tính chuyên môn nghề nghiệp rất cao, sâu chứ không đơn giản là quản lý nhà nước. Một bộ phim khi bị cắt bớt cảnh, thoại thì khán giả bị khó hiểu. Lâu ngày, khán giả cứ chê phim Việt Nam vô duyên, không logic.

Điều này cũng giống như cuốn sách giáo khoa bị cắt vài trang, học sinh sao hiểu bài. Và sẽ khiến bộ phim có khả năng thất bại, nguy cơ làm thất thu hàng chục tỷ đồng của nhà sản xuất bởi vì khán giả xem họ không hiểu, hoặc không thấy logic.

Hội đồng duyệt phim xem phim, đã hiểu phim rồi, nên họ bảo cắt đoạn nào cũng với suy nghĩ "kiểu gì chả hiểu, dễ hiểu mà". Nhưng khán giả xem phim lần đầu và họ cho rằng đấy là bộ phim khiếm khuyết.

Quang Huy anh 3

Victor Vũ và diễn viên trong phim Thiên thần hộ mệnh. Ảnh: CGV.

Quyết định duy ý chí của Hội đồng có thể ảnh hưởng đến số phận của nhà sản xuất, công ty, gia đình người làm phim bởi rất nhiều người phải cầm cố nhà để làm dự án. Nhưng tôi tin phần lớn quyết định đấy không hoàn toàn do luật xây dựng mà do sự suy diễn cảm tính mà thôi.

Đành rằng, luật quy định thẩm quyền của Hội đồng kiểm duyệt nhưng cách thực thi thế nào, làm sao để nhà làm phim cảm thấy thuyết phục trước các quyết định của họ. Vấn đề quan trọng là giảm được xung đột giữa nhà làm phim và cơ quan quản lý. Theo tôi, nhà quản lý phải giúp người làm phim tốt hơn chứ không nên cản trở, gây khó khăn.

Trong tương quan so sánh với phim truyền hình, phim chiếu mạng, phim điện ảnh đang bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu so sánh với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, cơ chế quản lý của điện ảnh dường như bị thụt lùi.

Tôi làm nhiều chương trình, MV, show diễn, các cơ chế kiểm duyệt bây giờ đã thoáng hơn rất nhiều. Cơ quan quản lý có thể đến tận nơi duyệt. Chương trình nào khó quá, họ duyệt qua băng hình, bằng các cuộc họp, có khi duyệt bằng cam kết của người tổ chức.

Nói chung giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý có đối thoại và có sự quan tâm hỗ trợ rất sâu sắc. Trong khi đó, làm phim tốn kém và rủi ro hơn thực hiện chương trình ca nhạc nhiều lần lại ít nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý.

"Làm phim tốn kém, rủi ro hơn thực hiện chương trình ca nhạc nhiều lần nhưng lại ít được cơ quan quản lý hỗ trợ".

Chính các nhà làm phim tư nhân đang nuôi thị trường, giúp phát triển ngành điện ảnh. Nếu họ không được hỗ trợ, không được làm phim thì ngành sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ chỉ ra rạp Việt Nam để xem những bộ phim mang văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài.

Chúng tôi đang góp phần gìn giữ tiếng Việt tại các rạp Việt Nam, và cũng đang gánh quá nhiều nhiều rủi ro nhưng lại rất đơn độc, hầu như không có dịch vụ hành chính công nào để giảm đi sự bất tiện, tạo điều kiện môi trường hoạt động thông thoáng như những ngành văn hóa khác.

Nhà làm phim Việt đang bị đối xử bất công

Từ xưa đến nay, chưa có nhà làm phim nào thực hiện tác phẩm với mục đích xấu, không ai bỏ hàng chục tỷ đồng để làm bộ phim bị ném đá. Với cách kiểm duyệt phim như thời gian qua, tôi tự hỏi chúng ta đang quản lý rủi ro hay quản lý cơ hội.

Dường như nhà quản lý đang nhìn đoàn phim với rất nhiều rủi ro, luôn xem chúng tôi là tội phạm tiềm năng, có khả năng mang tới những điều xấu. Trong khi 90% phim nước ngoài về Việt Nam được duyệt nhưng có rất nhiều phim Việt Nam bị yêu cầu chỉnh sửa trước khi phát hành. Tại sao nhà làm phim Việt lại thiệt thòi như thế. Tôi thấy doanh nghiệp làm phim trong nước đang bị đối xử bất công.

Quang Huy anh 4

Cảnh trong phim Bẫy ngọt ngào.

Tôi đồng ý với giai đoạn đất nước chuyển mình cần có cách quản lý văn hóa chặt chẽ để ổn định chính trị xã hội. Nhưng bây giờ đã là năm 2021 rồi, thời gian qua đất nước có những thành tựu vượt bậc, GDP tăng trưởng ấn tượng. Ngay cả trong năm đại dịch 2020 chúng ta vẫn là nước hiếm hoi trong khu vực có tăng trưởng dương.

Gần đây, các ngành kinh tế và ngay cả Chính phủ, cơ quan hành chính công đang trong quá trình chuyển đổi số để giảm bất tiện cho người dân, hội nhập với quốc tế. Nông nghiệp còn công nghiệp hóa thì điện ảnh nên được có cơ hội phát triển, cạnh tranh sòng phẳng với phim nước ngoài trên sân nhà.

"Nông nghiệp còn công nghiệp hóa thì điện ảnh nên được có cơ hội phát triển, cạnh tranh sòng phẳng với phim nước ngoài trên sân nhà".

Dựa trên các nền điện ảnh lớn như Âu, Mỹ, Hàn… có thể thấy công nghiệp hóa điện ảnh không chỉ là cơ hội cho điện ảnh Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, cơ hội cho nền công nghiệp du lịch, ẩm thực, thời trang.

Chúng tôi là những người bỏ tiền ra đầu tư theo luật doanh nghiệp, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, mã số thuế, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế, tạo công ăn việc làm và nộp thuế thu nhập cá nhân cho anh em nghệ sĩ, nhân sự đoàn phim.

Chúng tôi góp phần gìn giữ tiếng Việt thay vì chỉ có phim phụ đề Việt ngữ với các ngôn ngữ và văn hóa xa lạ. Chúng tôi không phải là tội phạm tiềm năng mà phải quản trị rủi ro như thời xưa cần ổn định trật tự xã hội nữa.

Không ai tạo doanh nghiệp để phạm pháp, chống chế độ, gây phản cảm với khán giả để rủi ro đồng vốn đầu tư của mình cả. Chúng tôi xứng đáng có được dịch vụ hành chính công tốt, để tiếp tục dựng xây nền điện ảnh. Khi giảm những rủi ro như trên có nghĩa là nền điện ảnh sẽ tăng thêm cơ hội, đóng góp nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Chúng tôi là doanh nghiệp mong muốn chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, chỉ cần có sự trao đổi cởi mở giữa những nhà duyệt phim và nhà làm phim, tôi tin cả hai phía đều có thể đồng hành, xây dựng điện ảnh Việt Nam. Có câu: “Khi dẹp bỏ bất đồng, chúng ta sẽ làm được những điều vĩ đại”. Hãy đối thoại, đồng hành, thay vì tồn tại nhiều bất đồng và bất cập như hiện nay.

Hôm 28/10, sau khi tiếp nhận 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra phản hồi liên quan đến Luật Điện ảnh.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình chuẩn bị, ban soạn thảo đã cố gắng nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để lựa chọn những vấn đề phù hợp đưa vào luật. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận đây là vấn đề khó khăn, chưa thể thể khắc phục ngay.

Bộ trưởng Văn hóa phản hồi về Luật Điện ảnh sửa đổi

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng sẽ khó kiểm soát nếu không thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội: 'Yếu tố bạo lực, tình dục cần theo thể loại phim'

Phát biểu tại Quốc hội về dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất phân loại phim theo thể loại, từ đó có những quy định khác nhau.

Hợp đồng đóng phim một tỷ đồng, khó yêu cầu diễn viên bồi thường 20 tỷ

Theo các nhà làm phim, với nền điện ảnh chưa phát triển, yêu cầu quản lý về đời tư của diễn viên cũng như việc bồi thường hợp đồng chưa thể khả thi.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm