Ngày 28/10, sau khi tiếp nhận 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra phản hồi liên quan đến Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng, trong quá trình chuẩn bị, ban soạn thảo đã cố gắng nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để lựa chọn những vấn đề phù hợp đưa vào luật. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận đây là vấn đề khó khăn, chưa thể thể khắc phục ngay.
“Tôi xin được dẫn ra mấy vấn đề như thị phần chiếu phim ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta hội nhập quốc tế, 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động. Chúng ta chỉ giữ được 20% thị phần này.
Thứ hai, chúng ta cũng đang thiếu về nguồn lực, chính sách tài chính, con người, rồi vấn đề về phim trường. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nghị định, như vấn đề về hợp tác công tư để thu hút đầu tư, nhưng trong thực tiễn cũng không phải có được một sớm một chiều”, ông Nguyễn Văn Hùng phát biểu.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh minh họa: Phim Thiên thần hộ mệnh. |
Đối với vấn đề thẩm quyền cấp phép và phân loại phim được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết dự thảo lần này kế thừa những nội dung của luật cũ.
Về ý kiến đề nghị bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác nước ngoài, ông bày tỏ lo ngại sẽ khó kiểm soát nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc xuyên tạc lịch sử.
Ông dẫn chứng trường hợp gần đây một nhà làm phim về hệ thống hang động tại Quảng Bình (hang Sơn Đoòng) đã dựng lên câu chuyện một gia đình người nước ngoài phát hiện ra và sinh sống ở đó. Hay một phim khác phản ánh sai lệch về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khác với lịch sử của dân tộc Việt Nam.
“Các phim hợp tác với nước ngoài sau đó thường không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được. Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến nội dung phân loại phim, dự thảo đề xuất kết hợp việc phân loại phim và giao trách nhiệm cho các cơ quan phát hành. Bộ trưởng đánh giá đây cũng là vấn đề khó.
“Khi chúng tôi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta mới kiểm soát được phần âm thanh, còn toàn bộ phần hình ảnh chưa có đủ công nghệ để kiểm soát. Do vậy, khi thiết kế điều này, chúng ta phải cân nhắc làm sao để không bị lọt những bộ phim có nội dung không đúng với Việt Nam, chưa muốn nói là vi phạm các quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Hùng phản hồi góp ý của các đại biểu Quốc hội.