"Qua theo dõi, chúng tôi phát hiện quảng cáo vũ khí, súng ống, tiền giả tràn lan trên Facebook, quảng cáo động vật hoang dã, xúc phạm doanh nghiệp, cá nhân cũng xuất hiện dày đặc", ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Phát thanh truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH & TTĐT) - Bộ Thông tin Truyền thông, chia sẻ.
Ông cho biết mình thậm chí còn nhận được đường link tài khoản Facebook có nguồn gốc từ nước ngoài công khai kinh doanh tiền giả, đăng quảng cáo giảm giá 15% nhân dịp công ty thành lập.
Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy những bài đăng quảng cáo bán tiền giả như thế này trên Facebook. |
Phía Cục PTTH & TTĐT đã làm việc với đại diện Facebook, yêu cầu gỡ bỏ hàng loạt tài khoản vi phạm nhưng chưa được như mong muốn. Lý do là vì các tài khoản quảng cáo sai trái thường núp dưới danh tài khoản cá nhân, không lấy danh nghĩa công ty. Việc quét để tìm ra tài khoản vi phạm mất nhiều công sức.
"Lý do thứ 2 là do chính sách gỡ tài khoản của Facebook rất khó khăn. "Muốn gỡ một status, hoặc bình luận khỏi trang Facebook rất dễ dàng nhưng muốn xóa tài khoản phải có quy trình, phải chứng minh được tài khoản vi phạm nhiều lần" ông Tự Do nói về những khó khăn trong việc quản lý nội dung xấu độc trên Facebook.
Ông cho biết thêm, quảng cáo hiện trên Facebook không giống Google. Các chiến dịch quảng cáo Facebook thường theo đợt, nhắm đến nhóm đối tượng cụ thể, chẳng hạn người sống ở Hà Nội, tuổi 20 đến 25, thích thể thao. Facebook lọc ra các đối tượng đó, hiện quảng cao trên News Feed của họ và thường chỉ chạy trong 1-2 tuần, sau đó biến mất, không tồn tại sẵn, ai cũng có thể truy cập và phát hiện dễ dàng như YouTube.
Ngay cả khi phát hiện ra vi phạm, mức chế tài của chúng ta hiện vẫn ở mức quá thấp, không đủ sức răn đe. Chẳng hạn, việc phát tán truyền đơn chống phá chế độ có thể bị phạt tù 15-20 năm nhưng khi làm việc này trên mạng, tác động đến hàng triệu người, chúng ta chưa có biện pháp nghiêm khắc để xử phạt.
Theo ông Tự Do, cả 2 bên đang tìm tiếng nói chung. Mới đây, phía Việt Nam đã gửi yêu cầu xóa bỏ 400 tài khoản vi phạm và phía Facebook đã gỡ được khoảng 70%.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc kiểm soát các quảng cáo xấu độc trên Facebook còn khó khăn hơn so với Google. Ảnh: Thành Duy. |
Nói về tình trạng nội dung xấu độc xuất hiện trên YouTube, ông Tự Do khẳng định qua 2 lần bị nhãn hàng tẩy chay trong năm ngoái, đến nay Google vẫn chưa đưa ra được một biện pháp thực sự hữu hiệu để ngăn chặn.
"Về bản chất, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chặn các nội dung cho là xấu độc. Mà AI của họ chưa thể thông minh bằng con người thực. Khi Google tăng cường bộ lọc, kẻ xấu lại nghĩ ra cách đối phó", Cục phó PTTH & TTĐT cho hay.
Phía Cục PTTH & TTĐT đã đưa ra giải pháp mà ông Tự Do tin rằng phía Google sẽ sớm chấp nhận vì nó được cả nhãn hàng và đại lý quảng cáo ủng hộ.
Theo đó, Cục PTTH và TTĐT sẽ lập ra một danh sách White List và Black List (có thể hiểu là danh sách kênh sạch và kênh xấu độc), trong đó khuyến khích người làm nội dung sạch trên YouTube đăng ký thông tin cá nhân, cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông để tạo ra một danh sách kênh sạch. Nhãn hàng và nhà quảng cáo có thể chọn hiển thị quảng cáo trên các kênh đó, tránh xa kênh sản xuất nội dung xấu độc.
Theo thống kê của Cục PTTH & TTĐT, Việt Nam hiện có 78.000 kênh YouTube, tạo ra 10 tỷ lượt xem mỗi tháng trên YouTube. Về thị phần quảng cáo, Google và Facebook chiếm gần như 80% thị phần quảng cáo trực tuyến.
Trong năm 2017, 2 lần các nhãn hàng lớn trên toàn thế giới tuyên bố tẩy chay YouTube vì video quảng cáo của họ bị gắn trên các video có nội dung liên quan đến chống phá chế độ, phân biệt chủng tộc, ấu dâm. Google sau đó đều lên tiếng xin lỗi và hứa đưa ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được giải quyết triệt để.