Tháng 3 năm nay, Bộ Thông tin Truyền thông đã làm việc với Google để yêu cầu gỡ bỏ nhiều nội dung không phù hợp. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong nước dừng quảng cáo trên các clip xấu độc. Tuy nhiên sau 8 tháng, tình trạng này tiếp tục tái diễn. Ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Tái diễn gắn quảng cáo vào video vi phạm
- Hồi tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nhiều doanh nghiệp quảng cáo gắn vào các clip có nội dung xấu độc trên YouTube. Ông nói gì về việc gần đây nhiều doanh nghiệp tiếp tục tái diễn vi phạm?
- Từ đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) đã triển khai một loạt biện pháp chấn chỉnh quảng cáo gắn vào clip xấu độc với 3 biện pháp chính.
Một là gửi công văn làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo đưa video lên YouTube, cảnh báo họ về nguy cơ, rủi ro nếu quảng cáo không được kiểm duyệt. Hai là làm việc với phía Googe, YouTube, yêu cầu họ gỡ bỏ video, không gắn quảng cáo vào các video xấu độc. Ba là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức về nguy cơ trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là YouTube và Facebook.
"Bộ cũng đã nắm được tình trạng tái diễn hiện nay và sẽ triển khai một số biện pháp", ông Lê Quang Tự Do nói. |
Kết quả thu được khá tích cực. Sau gần một năm, Google đã gỡ bỏ hơn 5.000 clip xấu độc, chiếm tỷ lệ 90% so với yêu cầu từ phía Bộ. Doanh nghiệp đã tạm dừng đăng quảng cáo trên YouTube và yêu cầu Google giải quyết triệt để. Các phương tiện truyền thông cũng vào cuộc rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sau 8 tháng, tình trạng này xuất hiện trở lại: các doanh nghiệp tiếp tục quảng cáo, gắn vào clip vi phạm. Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện nguyên nhân chính là do doanh nghiệp có nhu cầu thực sự được quảng cáo lại trên Internet mà trực tiếp là trên Google, Facebook.
Sau một thời gian Bộ làm việc với Google, YouTube, phía Google đưa ra đảm bảo, thực tế là đã có động thái thay đổi thuật toán, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự cho bộ phận kiểm duyệt trên mạng, thành lập các nhóm kiểm duyệt.
Tuy nhiên, có thể thấy thuật toán của Google không giải quyết triệt để việc hiện quảng cáo trên clip xấu độc. Khi Google thay đổi thuật toán, những kẻ có mục đích không lành mạnh vẫn tìm cách lách kiểm duyệt một cách tương đối dễ dàng. Bộ cũng đã nắm được tình trạng tái diễn hiện nay và sẽ triển khai một số biện pháp.
- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn quảng cáo gắn video có nội dung xấu liên quan trẻ em?
- Người dùng mạng xã hội đa phần lựa chọn các trang nước ngoài, thậm chí một bộ phận coi đó là một kênh thông tin quan trọng. Một bộ phận đông đảo coi đó là nhu cầu thiết yếu. Nhu cầu lớn nhưng mạng xã hội nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới, không có văn phòng tại Việt Nam, không có đầu mối liên hệ trực tiếp. Yêu cầu của Bộ gửi qua họ chủ yếu thông qua thư điện tử, thỉnh thoảng mới có đại diện của họ sang làm việc trực tiếp.Việc phối hợp chặt chẽ trong một số giai đoạn chưa đảm bảo. Đó là lý do khách quan.
Vấn đề thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ Internet quốc tế có chính sách toàn cầu về việc quản lý nội dung. Quy định của họ chưa khớp với quy định quản lý nội dung của Việt Nam. Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải đấu tranh để cùng nhau đi đến thống nhất. Việc này cũng mất không ít thời gian.
- Với các doanh nghiệp tái diễn quảng cáo trên các video xấu độc liên quan trẻ em, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp gì?
- Sau khi Bộ cảnh báo, triển khai một loạt giải pháp, các doanh nghiệp gần như không còn đăng quảng cáo trên các clip xấu độc. Nếu để ý kỹ, có thể thấy các quảng cáo gần đây đăng nhiều trên clip vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trẻ em. Tình trạng hiển thị quảng cáo trên clip xấu độc về chính trị, phản động đã được kiểm soát chặt chẽ, tích cực. Tất nhiên, như vậy vẫn chưa đạt yêu cầu.
Dự kiến, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để chấn chỉnh. Chúng ta cần tìm giải pháp, thay vì chỉ tập trung xử phạt.
Bộ sẽ lập danh sách kênh YouTube 'sạch'
- Giải pháp cụ thể của Bộ Thông tin Truyền thông là gì, thưa ông?
- Trong bối cảnh phương án của Google chưa thực sự hiệu quả, chúng tôi nghiên cứu thấy một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chúng ta phải ngăn chặn dòng tiền quảng cáo trong video vi phạm. Thực chất, Google đã triển khai nhưng thời gian để gỡ một clip xấu độc khá dài, lên tới 2-3 ngày. Họ đảm bảo với chúng tôi nếu Bộ gửi yêu cầu họ sẽ tạm thời dừng dòng tiền quảng cáo. Một số kênh trong nước, nước ngoài hiện đã bị dừng quảng cáo vì vi phạm quy định, ví dụ vi phạm bản quyền, thuần phong mỹ tục, chính sách bảo vệ trẻ em.
Thứ hai, chúng ta tiếp tục gỡ bỏ các thông tin xấu độc. Điều này đã chỉ rõ trong khoản 1 điều 5 nghị định 72. Không chỉ clip phản động, chống phá chế độ mà phần nhiều liên quan đến lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục, bản quyền, ví dụ mạo danh người khác tung tin thất thiệt, chạy quảng cáo nói xấu doanh nghiệp khác.
Thứ ba, theo đề nghị của doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, Bộ sẽ xây dựng danh sách kênh sạch trên YouTube, hoặc kênh có đăng ký với Bộ, có bộ phận kiểm duyệt, rà soát xử lý khi có yêu cầu. Chúng tôi cũng sẽ lọc danh sách kênh có nội dung vi phạm.
Thứ tư, chúng tôi tiếp tục phối hợp với báo chí để tuyên truyền, xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, như một khế ước xã hội để cùng tham gia và có chế tài dân sự.
Thứ năm, chúng tôi khuyến khích tổ chức, cá nhân muốn kiếm tiền trên mạng nên đăng ký với cơ quan quản lý. Khi đó, họ sẽ được bảo vệ nội dung của mình, được cơ quan Nhà nước bảo vệ về mặt pháp luật. Điều này giúp kiểm soát để người xấu không thể kiếm tiền, còn người làm ăn đàng hoàng được nhận nguồn tiền hợp pháp.
- Theo ông, mức độ thiện chí của phía Google đến đâu trong việc hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam?
-Trước đây, sự hợp tác của họ rất hạn chế nhưng bắt đầu từ 2017, với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc, thái độ của họ đã có chuyển biến. Hai bên ngồi làm việc nhiều hơn, triển khai theo yêu cầu, đạt được kết quả ban đầu nhưng so với kỳ vọng còn khoảng cách lớn. Theo thông báo từ phía Google, tỷ lệ gỡ bỏ clip vi phạm theo yêu cầu của nước sở tại ở Việt Nam là cao nhất thế giới, đạt 90%.
Năm 2017, các bên đã có những cuộc làm việc cao cấp, chẳng hạn Google cử Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc mở rộng, hay Facebook cử Giám đốc phụ trách nội dung toàn cầu, sang làm việc với Việt Nam. Trước đây, nếu có họ chỉ cử một vị đại diện nào đó, những người không có quyền phát ngôn.
Thực tế thì nhiều nước khác cũng đang phải đấu tranh với Google, Facebook. Mạng xã hội có không ít ích lợi, là thành tựu của nhân loại nên tôi mong muốn người dân được tiếp cận với một mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Chúng ta không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội nhưng phải đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội. |
Trao đổi với Zing.vn Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, Sở có một bộ phận rà soát thông tin xấu, độc. Nếu thấy nội dung trên YouTube không phù hợp, Sở sẽ lập danh sách gửi Bộ TT&TT.
Theo bà Tú, qua kiểm tra, Sở phát hiện trên YouTube có nhiều video dung tục, thậm chí video đen ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Cơ quan quản lý Nhà nước cần cơ chế để kiểm soát các video đảm bảo phù hợp với trẻ em, xử lý các doanh nghiệp quảng cáo trên các nội dung xấu độc, thúc đẩy sản xuất nhiều loại hình tuyên truyền giáo dục cho trẻ em tốt hơn.
Trong bối cảnh mạng xã hội mở rộng, kết nối không biên giới, gia đình cần giáo dục, quản lý để trẻ em tiếp cận nội dung tốt, tránh những nội dung xấu trên YouTube.