Trước tình trạng nội dung, bình luận độc hại, ấu dâm tràn ngập trên YouTube và nhiều nhãn hàng quảng cáo trên video độc hại, các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là vấn đề nhức nhối và cần mạnh tay xử lý.
Phải loại bỏ nội dung độc hại đập vào mắt người dân
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng vấn đề thông tin độc hại trên mạng xã hội được dư luận rất quan tâm.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, với tốc độ phát triển của hạ tầng thông tin, người dân có thêm quyền tiếp cận thông tin đa chiều. Tuy nhiên, mặt trái cũng lộ lọt những thông tin thực sự phản cảm, gây bức xúc cho người dân. Thậm chí, có những thông tin giả, thông tin xấu, độc hại cho các tầng lớp người dân từ người già đến trẻ em.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay với kẻ tung tin xấu, độc. Ảnh: Quang Thắng. |
Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định trên thế giới phẳng thì khó ngăn chặn triệt để được thông tin độc hại. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đưa ra phương án làm sao quản lý tốt nền thông tin, để giảm bớt số lượng thông tin xấu độc hại.
“Đồng thời, chúng ta phải trang bị cho người dân cũng như các cơ quan nhà nước có kiến thức kỹ năng cơ bản để phòng, chống và lọc được những thông tin tốt, loại bỏ những thông tin xấu, khỏi ảnh hướng đến đời sống tin thần cũng như hoạt động công tác của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đời sống dân sinh”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng cho rằng Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục “mạnh tay” trong công các quản lý điều tra, truy tố xét xử, xử lý manh tay đối với những kẻ tung tin xấu, độc hại nhằm mục đích bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân và tổ chức, để cảnh báo, răn đe, giáo dục.
Đồng quan điểm với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, cũng đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về việc YouTube, Facebook đăng tải số lượng lớn video, hình ảnh có nội dung dung tục, phản cảm, độc hại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: T.Q. |
Cho rằng nội dung độc hại đập vào mắt người dân hàng ngày, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng nếu các trang mạng như YouTube còn cho đăng tải một số clip, hình ảnh với nội dung phản cảm, dung tục gây ảnh hưởng đến người dân, đến lợi ích quốc gia thì cơ quan chức năng cần mời các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến làm việc để ngăn chặn, xử lý theo luật pháp.
Cần có sự phối hợp với các bộ ngành, doanh nghiệp
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá Facebook, YouTube là phương tiện để con người giao tiếp, thể hiện, xích lại gần nhau. Nhưng vấn đề quan trọng là phải quản lý làm sao để các mạng này không đi trái lại thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Những người tham gia mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm xã hội.
Nội dung xấu độc được các tài khoản giả mạo lan truyền trên YouTube. |
“Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã ra các giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc xử lý thông tin xấu, độc trên Facebook, YouTube…không thể một mình Bộ Thông tin Truyền thông giải quyết được, cần sự phối hợp các bộ ngành và chính người sử dụng mạng”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đặt lưu ý.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn các thông tin xấu, tin độc trên mạng là rất quan trọng.
“Thông tin trên hệ thống mạng hiện nay rất rộng và khó kiểm soát, bởi Internet là mạng toàn cầu. Việc ngăn chặn, kiểm soát tin xấu, tin độc trên mạng xã hội như thế nào sẽ là thách thức lớn đối với Bộ Thông tin Truyền thông”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhận định.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức nhắc lại quan điểm ông đã nêu hồi đầu năm 2017 rằng các doanh nghiệp phải đàm phán lại, làm việc cụ thể hơn với nhà quảng cáo.
Nếu không doanh nghiệp chi tiền quảng cáo để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của mình lên thì lại có tác dụng ngược, phản cảm. Nó giống như việc giao trứng cho ác khiến doanh nghiệp tự hủy hoại mình và tự đánh mất uy tín đối với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp quảng cáo trên các clip có nội dung, bình luận không phù hợp, gây bức xúc trong cộng đồng. |
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông), khoảng một tuần nay, rộ lên thông tin các thương hiệu quảng cáo quan ngại việc quảng cáo của mình xuất hiện cạnh các nội dung xấu độc, đặc biệt đối với các nội dung liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh quảng cáo của họ lại xuất hiện trên những clip nói xấu Đảng và Nhà nước.