“Tôi cam kết chữa dứt điểm bệnh xương khớp 10 năm không tái lại. Hàng ngày có nhiều bệnh nhân gọi điện, nhắn tin đến cảm ơn. Những thứ này có tiền cũng không mua được”, âm thanh từ một video quảng cáo thuốc đông y kéo dài hơn 3 phút chen ngang bản nhạc mà chị Thảo Hiền - 34 tuổi, trú tại Hà Nội - đang nghe trên YouTube.
Sau khoảng thời gian ngắn tưởng chừng đã biến mất, người dùng này không khỏi bất ngờ khi lại bị quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng quấy rầy, tràn lan trên YouTube.
Trước đó, nửa cuối năm 2022, làn sóng quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng với nhiều tác dụng được phóng đại, vô căn cứ nổi tiếng như "nhà tôi 3 đời chữa" từng được cơ quan quản lý chấn chỉnh.
Trong một sự kiện tổ chức cuối năm 2022, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết hơn 2.000 quảng cáo phóng đại, sai sự thật đã bị gỡ bỏ trên YouTube trong vòng 6 tháng nhờ cơ chế kiểm soát mới, nhiều hơn 3 năm trước cộng lại. Trong nhóm này có rất nhiều quảng cáo theo dạng “nhà tôi 3 đời chữa bệnh” hay “cam kết chữa khỏi”.
Các quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng lại xuất hiện. Ảnh: T.L. |
Khó biến mất
Đại diện Cục từng thừa nhận việc thiếu hợp tác giữa cơ quan phụ trách thông tin điện tử với cơ quan phụ trách cấp phép thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cũng như tình trạng chưa có cơ chế gỡ bỏ một lượng lớn nội dung từ Google, YouTube đã khiến các thần y tấn công không gian mạng.
Đến nay, khi phát hiện nội dung khả nghi về thuốc và khám chữa bệnh, Cục sẽ chuyển thông tin đến cơ quan y tế để thẩm định và sau đó yêu cầu Google ngăn chặn diện rộng bằng thuật toán. Thời điểm đó, ông Do cho biết nhờ cơ chế mới, dạng quảng cáo thần y gần như không tồn tại nữa.
Trao đổi với Zing, ông Quan Dũng - quản trị viên một cộng đồng làm YouTube có quy mô lớn - cho biết các quảng cáo "tôi cam kết chữa dứt điểm" hay “nhà tôi 3 đời nhận chữa” có thể còn lộng hành bất chấp động thái siết chặt của cơ quan quản lý do doanh thu khổng lồ từ việc bán thuốc.
Hiện nay, người dùng YouTube chủ yếu nhìn thấy quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng trên TV thông minh. Theo ông Dũng, đây là loại thiết bị được người cao tuổi, vốn là tệp khách hàng mà các bên bán thuốc nhắm đến, sử dụng thường xuyên hơn smartphone.
“Hầu hết sản phẩm được quảng bá chữa trị dứt điểm bệnh thường gặp ở người già như gout, xương khớp, tiểu đường, dạ dày, gan, thận... Việc quảng cáo tập trung xuất hiện trên TV do liên quan đến mục tiêu người dùng chứ không liên quan đến chi phí đặt quảng cáo”, vị này cho biết.
Google không cấp phép quảng cáo thuốc tại Việt Nam. Ảnh: T.L. |
Thực tế, Google có chính sách quảng cáo đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thuốc. Danh sách quốc gia được phép quảng cáo hiệu thuốc trực tuyến, thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn cũng không hề có mặt thị trường Việt Nam.
Ông Dũng cho biết thuốc gần như là danh sách cấm trên YouTube. Dẫu vậy, để được duyệt chiến dịch quảng cáo, người bán có thể làm giả giấy tờ đăng ký thuốc hòng qua mắt nền tảng.
Ngoài ra, các bên chạy quảng cáo có nhiều thủ thuật để khai thác lỗ hổng nền tảng, khiến những dạng quảng cáo này được phân phối hiệu quả hơn đến người dùng. Nếu bị khóa tài khoản, họ sẽ lại tạo tài khoản mới mà không tốn nhiều công sức.
“Việc kiểm duyệt quảng cáo hiện nay trong mắt người bình thường có thể nghiêm ngặt hơn nhưng với các bên chạy quảng cáo chuyên nghiệp thì quy trình vẫn như cũ. Nếu có sự thay đổi thì người chạy lại có cách thích ứng, thay đổi theo nên không có nhiều khó khăn”, ông chia sẻ.
Hình thức lừa đảo không thay đổi
Mô tuýp của các dạng quảng cáo này không mấy thay đổi dù không còn những lời tuyên bố đã quá nổi tiếng như “nhà tôi 3 đời chữa”. Đó vẫn là những lời cam kết chữa dứt điểm, một liệu trình là khỏi hoàn toàn nhờ bài thuốc được thổi phồng như thần dược của các thần y.
Các video quảng cáo đều phỏng vấn lương y lẫn trải nghiệm của người đã qua sử dụng. Một số video thậm chí xuất hiện cả thương hiệu nhà đài lớn hoặc người nổi tiếng, có ảnh hưởng để tạo uy tín cho người xem.
Thực chất, đằng sau mỗi video quảng cáo thuốc đông y là một ê kíp sản xuất riêng. Phần lớn nhân vật và kịch bản có sự dàn dựng từ trước. Hình ảnh các nhà đài lớn hay người nổi tiếng cũng thường xuyên bị cắt ghép vào trong dạng video này.
Hình ảnh của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải bị sử dụng trái phép để quảng cáo thuốc. Ảnh: Chùa Long Hương. |
Giữa năm 2021, Thượng Tọa Thích Tuệ Hải đã phải lên tiếng đính chính không tham gia bất cứ quảng cáo bán thuốc tiểu đường nào trên YouTube và Facebook. Nhà sư cũng tố cáo những trang này sử dụng hình ảnh, bài giảng của mình và chùa Long Hương khi chưa có sự đồng ý để lợi dụng danh nghĩa, uy tín và thông tin sai sự thật.
Đến nay, Thượng Tọa Thích Tuệ Hải vẫn là nạn nhân của các đối tượng giả danh trên Facebook và YouTube. Theo nhà sư, sau khi lấy thông tin người bệnh, những người này sẽ gọi điện để tư vấn bán thực phẩm chức năng trị bệnh, chủ yếu là thuốc tiểu đường, hoặc chiếm đoạt tài sản.
GS TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, cũng từng rơi vào tình cảnh bị cắt ghép hình ảnh để giả danh tương tự. Ông cho biết các sản phẩm quảng cáo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.
“Người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang", GS Trương Việt Bình khuyến cáo người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...