Ngày 28/5, nữ diễn viên Cảnh Điềm bị cơ quan giám sát thị trường thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông xử phạt 7,2 triệu NDT (hơn 1 triệu USD) do vi phạm luật quảng cáo. Theo Hoàn Cầu, ngôi sao sinh năm 1988 tiếp thị cho sản phẩm "thần kỳ hóa" về công dụng.
Sự việc Cảnh Điềm khiến công chúng thêm lo lắng về chất lượng của những sản phẩm được quảng cáo bởi người nổi tiếng. Theo Sina, câu chuyện nghệ sĩ đại diện cho thương hiệu làm ăn bất chính, kém chất lượng trở thành vấn nạn của showbiz Trung Quốc trong hai năm qua. Chuyên gia xứ tỷ dân dùng từ "bát nháo" để nói về các quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng.
Tổn hại danh tiếng vì nhận quảng cáo bừa bãi
Tại Trung Quốc, các nghệ sĩ có danh tiếng mới được mời đóng quảng cáo. Càng nổi tiếng, thương hiệu họ quảng cáo càng cao cấp và thù lao càng hấp dẫn. Bên cạnh hợp đồng đại diện loại A, người nổi tiếng xứ tỷ dân còn nhận quảng cáo cho nhóm thương hiệu bình dân để có thêm thu nhập và tăng độ phủ sóng hình ảnh.
Theo quy trình, khi lời mời được gửi đến, bộ phận quản lý sẽ xem xét giá trị thương mại của nhãn hàng, mức cát-xê, hình ảnh sản phẩm phù hợp với nghệ sĩ hay không... trước khi ký kết hợp đồng. Nhưng phần lớn sao Trung Quốc đều rút bớt giai đoạn, họ nhìn vào giá trị thù lao cao để ký hợp đồng mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Cảnh Điềm bị cấm nhận quảng cáo mới trong 3 năm. Ảnh: Sohu. |
Việc người nổi tiếng dùng thương hiệu bản thân bừa bãi gây hậu quả xấu cho chính họ và xã hội. Vừa qua, Cảnh Điềm trở thành minh tinh hạng A đầu tiên ở Trung Quốc chịu chế tài pháp luật cho hành vi quảng cáo không đúng sự thật.
Dù tỏ ra hối lỗi, Cảnh Điềm vẫn chịu tác động nặng nề sau khi bê bối quảng cáo trái phép bị phanh phui. Theo Sina, ngoài nộp phạt hành chính, nữ diễn viên sẽ không được nhận quảng cáo mới trong 3 năm. Các nhãn hàng như Dior, Ánh Trăng Xanh có động thái cắt đứt quan hệ với Cảnh Điềm bằng cách xóa bài quảng bá liên quan đến ngôi sao Tư Đằng trên trang chủ.
Theo Sina, việc thương hiệu vạch rõ giới hạn với Cảnh Điềm cho thấy giá trị thương mại của cô lao dốc. Hình tượng bị hoen ố cũng ảnh hưởng lớn đến việc ra mắt phim mới của nữ nghệ sĩ. 163 đánh giá Cảnh Điềm đánh mất giá trị cũng như hình ảnh của một nghệ sĩ khi nhận lời quảng cáo sản phẩm tràn lan. "Cảnh Điềm trả giá cho thái độ nhắm mắt nhận tiền", 163 bình luận.
Trước Cảnh Điềm, nam diễn viên hài Lý Đản bị phạt 135.000 USD vì quảng cáo nội y phụ nữ bằng từ ngữ thô tục, xúc phạm nhân phẩm và phân biệt giới tính. Trên trang cá nhân, Lý Đản tuyên bố "áo ngực là công cụ giúp phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp". Bài quảng cáo của anh gây bức xúc trong dư luận.
Tháng 9/2021, MC Lý Duy Gia của show Happy Camp bị cắt sóng, tạm dừng công tác sau khi đại diện hãng trà sữa ôm vốn đầu tư của khách hàng bỏ trốn. Hàng chục người kéo đến đài truyền hình Hồ Nam chỉ trích Lý Duy Gia thất đức, yêu cầu anh chịu trách nhiệm. Sau bê bối, nam MC mất việc tại show Happy Camp.
Trước đó, Mã Y Lợi gây phẫn nộ khi đại diện cho thương hiệu trà sữa nằm trong đường dây lừa đảo quy mô lớn với số tiền trục lợi bất chính lên đến 700 triệu NDT (105 triệu USD). Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, quảng cáo cho thương hiệu, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị Đội Kinh tế Thượng Hải điều tra.
"Tôi đã hào hứng nhận quảng cáo mà không tra xét kỹ uy tín của thương hiệu nhận hợp tác. Thiếu sót của tôi và nhân viên gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. Tôi sẽ cẩn trọng hơn và thành thật xin lỗi những ai cảm thấy không hài lòng, hay bị tổn thất vì vụ việc", Mã Y Lợi chia sẻ.
Tài tử Trịnh Khải cũng vướng đến án lừa đảo kinh tế như Mã Y Lợi. Thương hiệu trà sữa do anh làm người đại diện kêu gọi đầu tư trái phép. Có khách hàng đã bỏ ra 1 triệu NDT (155.000 USD) tham gia, nhưng sau đó bị mất. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện có khoảng 700 nạn nhân của vụ việc, thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm triệu NDT.
Các nghệ sĩ như Lưu Thi Thi, Quan Hiểu Đồng, Trần Tiểu Xuân, Thích Vy... cũng từng gây bức xúc vì quảng cáo và buôn bán sản phẩm "gian dối", lừa đảo lòng tin của người tiêu dùng. Họ không bị phạt như Cảnh Điềm, nhưng mất điểm nghiêm trọng trong mắt khán giả. Sự tắc trách khiến họ mang tiếng "nghệ sĩ lừa đảo".
Chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai
Theo Sina, những năm gần đây, các thương hiệu lớn nhỏ ở Trung Quốc chuộng xu hướng chọn người nổi tiếng làm gương mặt phát ngôn. Điều này kéo theo hiện tượng "gian lận", quảng cáo khống chất lượng, lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Sức ảnh hưởng của mỗi vụ lừa đảo có thể lên tới hàng triệu USD. Thống kê của Cục công an thành phố Thượng Hải cho biết đường dây tội phạm lừa đảo trong ngành quảng cáo ở Trung Quốc tăng gấp 2 kể từ năm 2018. Số tiền tang chứng thu giữ được trong các vụ việc luôn vượt mức 15 triệu USD với hàng nghìn nạn nhân.
Các nghệ sĩ từng bị chỉ trích vì quảng cáo sai. |
Sohu cho rằng các ngôi sao nhận mức cát-xê cao nhờ hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, họ ít tìm hiểu về sản phẩm. Hành động này là thiếu trách nhiệm, khiến khán giả tin tưởng vào nghệ sĩ mình yêu mến rơi vào hoàn cảnh "tiền mất tật mang".
Theo Sina, khi xảy ra scandal liên quan tới thương hiệu phát ngôn, phần lớn ngôi sao thường đưa ra lời xin lỗi và hứa hẹn sẽ nghiêm khắc hơn trong công việc, nhưng như vậy là chưa đủ. Trang tin cho biết nghệ sĩ cần phải chịu trách nhiệm cho thái độ tắc trách, hời hợt trong việc nhận hợp đồng quảng cáo.
Vì vậy, cuối năm 2021, quy định gắt gao cho nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo thương mại đã được đề ra để bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ thị nêu rõ người nổi tiếng không được phép tuyên truyền sản phẩm mà bản thân chưa sử dụng, phải chịu trách nhiệm nếu quảng bá cho hàng hóa kém chất lượng gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế người tiêu dùng.
Luật quảng cáo Trung Quốc nêu rõ người đại diện thương hiệu nếu biết sản phẩm kém chất lượng hoặc chưa tìm hiểu kỹ, nhưng vẫn nhận quảng cáo sẽ chịu liên đới khi xảy ra vấn đề. Người bị phát hiện sai phạm sẽ chịu phạt hành chính và không được nhận quảng cáo mới trong vòng 3 năm.
Trên Tân Hoa Xã, nhà xã hội học Vương Mặc Linh cho biết người nổi tiếng cần tỉnh táo trước cám dỗ cát-xê, mạnh dạn từ chối quảng cáo không phù hợp. Theo Vương Mặc Linh, với những thương hiệu uy tín, cái khó của người nổi tiếng là về phương thức triển khai hợp đồng. Nhưng ở thương hiệu không uy tín, điều nghệ sĩ vướng vào không chỉ là ảnh hưởng danh tiếng mà còn là pháp lý.
"Nghệ sĩ bán hàng bằng chính danh dự. Nhận quảng cáo sản phẩm dễ dãi, người nổi tiếng không chỉ đánh mất giá trị bản thân, gây ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn có thể vướng vòng lao lý", Vương Mặc Linh nói.