Là một nhà hàng Ấn Độ nổi tiếng nằm trên đường Tôn Đức Thắng nhộn nhịp, Spice Garden mới đây cũng phải dừng hoạt động. Cơ sở này được cho là đã chịu khoản lỗ lên đến 13 tỷ đồng trước khi quyết định đóng cửa. |
Khảo sát của Zing cho thấy giá thuê tại đây khoảng vài trăm triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều mặt bằng nằm dài chờ khách thuê mới nhưng hầu như không có người đến tìm hiểu. |
Đoạn đường chỉ khoảng 500 m dọc theo khu vực công trình cầu Thủ Thiêm 2 nhưng có đến 5 điểm kinh doanh dừng hoạt động. Trước đó, nơi đây được coi là mặt bằng đắc địa với vị trí trung tâm cùng nhiều tòa nhà văn phòng xung quanh đem lại lượng khách quen và vãng lai lớn. Hầu hết hàng quán trước đây cũng là những địa điểm ăn uống nổi tiếng của TP.HCM. |
Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo lý giải của các điểm bán còn cầm cự, là quá trình thi công chậm chạp của dự án cầu Thủ Thiêm 2. Công trình được khởi công từ năm 2015, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, từ tháng 9/2020 đến nay, chủ đầu tư đã tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng. |
Hiện công trường vẫn chiếm phần lớn con đường Tôn Đức Thắng, gây bụi bặm, kẹt xe. "Nhiều khách quen muốn quay lại nhưng ngại đường đông, không có chỗ đậu xe nên họ bỏ dần, còn khách vãng lai gần như không có. Chúng tôi chỉ duy trì mặt bằng này để chờ dự án hoàn thành, chứ thực tế cũng đã mở mới ở những vị trí khác để bù đắp phần nào doanh thu", chị Kim Chi - quản lý quán Material Cafe - chia sẻ. |
Chị cho biết quán khai trương từ tháng 5/2019, đang kinh doanh thuận lợi thì các lô cốt được dựng lên để thi công cầu. Cùng lúc đó, các món bánh và nước phong cách Nhật Bản đặc trưng của quán cũng mất dần sức hút với giới trẻ. Buôn bán khó khăn lại thêm nhiều cú đánh bồi liên tiếp từ dịch Covid-19, công ty buộc phải thuê đơn vị tư vấn để tái cơ cấu mô hình hoạt động. |
Một trong những đổi mới lớn nhất của cơ sở kinh doanh này là chuyển hướng sang phục vụ đối tượng nhân viên văn phòng với menu cơm trưa mới từ cuối tháng 2 vừa qua. Đến nay, lượng khách này chiếm 2/3, mang lại thu nhập đều đặn cho quán trong bối cảnh khó khăn. Đơn vị này cắt giảm nhân sự và được chủ mặt bằng giảm giá thuê xuống còn 130 triệu đồng/tháng. Tình hình tài chính nhờ đó dần khả quan hơn. |
Tuy nhiên, khi quan sát các hàng quán khác còn hoạt động, không khó để bắt gặp cảnh nhân viên nằm nghỉ ngay giữa quán hoặc tán gẫu, lướt điện thoại vì vắng khách. |
Anh Quân, chủ một quán cà phê tại đây, cũng cho rằng sự sa sút của các điểm kinh doanh này phần nhiều đến từ công trình cầu Thủ Thiêm 2. Riêng với mô hình hoạt động quy mô nhỏ, hoặc nằm trong hẻm hay các tuyến đường lân cận như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, tác động này lại nhỏ hơn dịch bệnh. Hiện lượng khách của anh giảm khoảng 50-60% so với thời điểm trước dịch. |
Chia sẻ với Zing, các chủ nhà hàng, quán cà phê đều mong muốn cầu Thủ Thiêm 2 sớm hoàn thành và đi vào hoạt động. Họ kỳ vọng lưu lượng giao thông khi đó sẽ được điều tiết hơn, đồng thời môi trường thông thoáng cũng có thể là điểm thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. |
Ngày 2/4, hai nhóm kỹ thuật có chuyên gia người nước ngoài đã tiến hành kiểm tra một số thông số của công trình. Ông Phan Công Bằng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sau đó cũng khẳng định dự án sẽ tiếp tục được thi công từ ngày 15/4, cam kết đưa vào vận hành ngày 30/4/2022. |
Hiện công trình đạt 70% khối lượng, nhịp cầu chính lắp đặt được 11/17 đốt dầm thép và 35/56 bó cáp dây văng. Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng, dài hơn 1,4 km với quy mô 6 làn xe. Dự án được kỳ vọng kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm thành phố hiện hữu, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và đường hầm sông Sài Gòn giữa quận 1 và TP Thủ Đức. |