Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Quán xá ở Đà Nẵng ế ẩm vì dịch bùng phát trở lại

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên chính quyền nâng cấp độ phòng dịch ở 2 phường khiến hoạt động kinh doanh của người dân lâm cảnh khó khăn.

Tuần qua, Đà Nẵng ghi nhận gần 100 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 30 trường hợp cộng đồng. Trước tình hình đó, chính quyền Đà Nẵng quyết định nâng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 đối với phường An Hải Bắc và phường Nại Hiên Đông thuộc quận Sơn Trà.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được phép bán hàng mang về, không được phục vụ khách tại chỗ. Lo ngại lây nhiễm dịch bệnh, nhiều chủ nhà hàng, quá xá ở 2 phường này đã đóng cửa, dừng kinh doanh.

Quán xá đóng cửa

Thực hiện chủ trương của thành phố, ông Ngân (chủ quán nhậu ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) phải cho tất cả nhân viên nghỉ việc, đóng cửa quán gần tuần qua.

Người này kể đầu tháng 11 khi dịch tạm lắng, ông đầu tư gần 100 triệu để sửa quán, mua lương thực, đồ uống với hy vọng việc kinh doanh sẽ ổn định trở lại.

Mở bán được thời gian ngắn, dịch tái bùng phát nên ông phải đóng cửa. "Đây là lần thứ 5 chúng tôi phải đóng cửa, dừng kinh doanh vì dịch bùng phát. Cứ đà này thì dẹp quán chứ kinh doanh chi nữa", ông Ngân than thở.

Quan xa o Da Nang lai e am vi dich bung phat tro lai anh 1

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều nhà hàng ở Đà Nẵng vẫn đóng cửa. Ảnh: Nguyên Vũ.

Cùng hoàn cảnh, bà Lợi (quản lý một nhà hàng ở phường An Hải Bắc) nói nhà hàng đã buộc cho 8 nhân viên nghỉ việc. Hai tuần trước, khi dịch tạm được kiểm soát nên nhà hàng này mở bán nhưng rất ít khách.

"Bây giờ dịch lại bùng phát, quán đóng cửa luôn. Hàng chục kg hải sản còn dư thừa. Đồ ăn sáng hay cà phê thì còn bán mang về, chứ quán nhậu, nhà hàng thì phải dừng hoạt động chứ bán thì cũng chẳng ai mua", bà Lợi nói thêm.

Cùng hoàn cảnh, ông Thành Văn (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết chính quyền nâng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 nên nhà hàng của ông phải dừng kinh doanh.

"Khoảng 10 ngày trước còn mở bán, nhưng người dân lo ngại dịch bệnh lây lan nên ngại đến nhà hàng, quán nhậu. Nay dịch bùng phát lại thì chúng tôi đóng cửa chứ bán đồ mang về thì cũng ít khách mua", ông Văn chia sẻ.

Nhiều chủ nhà hàng trên đều nói trong 2 năm qua họ phải 5 lần tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã kiệt quệ vốn. "Mỗi tháng, chúng tôi trả hơn 50 triệu tiền thuê mặt bằng nhưng kinh doanh phập phù như vậy nên thua lỗ", ông Nhân, chủ một nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo cho hay...

Tiểu thương điêu đứng

Cũng giống như nhà hàng, quán nhậu, hiện hầu hết chợ trên địa bàn Nại Hiên Đông và An Hải Bắc (cùng quận Sơn Trà) chỉ được hoạt động 50% công suất.

Ghi nhận của Zing, các gian hàng đều giăng dây, có vách ngăn để phòng dịch. Ở các cửa ra vào chợ đều có nhân viên túc trực để đo thân nhiệt, nhắc người đi chợ rửa tay sát khuẩn.

Quan xa o Da Nang lai e am vi dich bung phat tro lai anh 2

Các tiểu thương ở Đà Nẵng kinh doanh ế ẩm vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Nguyên Vũ.

Bên trong chợ Nại Hiên Đông, nhiều tiểu thương bày bán nhưng lượng khách mua thưa thớt. "Dịch bùng phát trở lại nên người dân có tâm lý sợ lây lan nên ít đi chợ. Mấy ngày nay chỉ bán được vài trăm nghìn, so với trước chỉ bằng 1/10", chị Hồng, tiểu thương bán thịt heo chợ Nại Hiên Đông kể.

Tại chợ An Hải Bắc, nhiều tiểu thương cho biết tuần trước đã nhập hàng về, chưa bán hết thì dịch bùng phát trở lại. "Tôi nhập hơn chục triệu tiền rau, củ quả nhưng mới bán được 1/4 nên ráng thu hồi vốn rồi nghỉ chứ ngồi đây cả ngày mà rất ít khách mua", bà Huệ (bán rau ở chợ An Hải Bắc) phân trần.

Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng Ban quản lý chợ quận Sơn Trà, cho biết do ảnh hưởng dịch nên các chợ trên địa bàn phường Nại Hiên Đông và An Hải Bắc chỉ hoạt động 50% công suất.

Ông Thành nói tâm lý chung của người dân là sợ dịch bệnh lây lan nên cũng hạn chế đi mua sắm dẫn đến việc kinh doanh của tiêu thương bị ế ẩm.

Phố thời trang ở Đà Nẵng giảm giá đến 70% vẫn ế ẩm

Mở bán trở lại nhưng không có khách, hàng hóa tồn kho lâu ngày đã lỗi mốt nên chủ kinh doanh phải giảm giá kịch sàn, thậm chí sang nhượng cửa hàng vì không cầm cự nổi.

Dịch Covid-19

Nguyên Vũ

Bạn có thể quan tâm