Chính quyền Đà Nẵng cho dịch vụ mở bán trở lại nhưng các tuyến phố chuyên kinh doanh quần áo, giày dép thời trang vẫn đìu hiu.
Người mua thưa thớt, hàng hóa ế ẩm khiến nhiều chủ kinh doanh phải dán thông báo sang nhượng cửa hàng để cắt lỗ.
Giảm giá sâu, hàng hóa vẫn ế
Theo ghi nhận của Zing nhiều ngày qua, tuyến phố Lê Duẩn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhộn nhịp người qua lại. Các shop quần áo, dày dép thời trang được trang hoàng lộng lẫy bắt mắt hơn. Nhân viên của quán liên tục chào khách.
Dọc phố, các bảng quảng cáo sản phẩm kèm theo dòng chữ giảm giá được treo khắp mặt tiền cửa hàng. Chị Linh, nhân viên cửa hàng kinh doanh quần áo ở đường Lê Duẩn, cho biết shop đã mở bán trở lại hôm 16/10, sau hơn 3 tháng đóng cửa phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều cửa hàng treo bảng giảm giá lên đến 70% để thu hút khách hàng. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Liên tục đưa ra lời mời chào, nữ nhân viên này quảng cáo: "Cửa hàng em toàn đồ xịn, giảm giá từ 30-70% tùy loại. Anh chị mua sớm kẻo hết hàng".
Tuy nhiên, theo quan sát, bên trong cửa hàng chỉ vài khách nữ đi dọc dãy treo quần áo. Chừng 5 phút, những người khách này lần lượt rời quán, lắc đầu từ chối mua hàng theo lời mời của nữ nhân viên.
Nhìn theo khách đã khuất dần theo đoàn người đang ngược xuôi giữa tuyến phố, chị Linh nói sau nhiều tháng nghỉ ở nhà chống dịch, dân cũng đã vơi tiền nên không còn "chịu chơi" chi vài triệu để mua những bộ thời trang như trước.
"Nghỉ bán nhiều tháng nên những mặt hàng thời trang đã có mẫu mới, những sản phẩm bị tồn kho 3 tháng qua phải giảm giá đến 70% vẫn không có người mua", chủ một của hàng thời trang ở đường Lê Duẩn nói thêm.
Không chỉ quần áo mà các sản phẩm khác như kính mát, giày dép cũng đang được chủ kinh doanh giảm giá sâu. Có nhiều loại sản phẩm trước đây giá tiền triệu, nay rao bán chưa đến 500.000 đồng để cho hết hàng.
Nhiều cửa hàng giảm giá sâu nhưng hàng hóa vẫn ế ẩm. Ảnh: Nguyên Vũ. |
"Ngoài giảm giá, chúng tôi tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, tặng thêm quà nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam nhưng cũng ít người đến mua hàng", anh Hưng, chủ một cơ sở kinh doanh quần áo, kính thời trang ở đường Lê Duẩn chia sẻ.
Người đàn ông này dẫn chứng thêm: "Chiếc áo thun này trước đây có giá gần 500 nghìn đồng nhưng nay bán 215.000 đồng cũng không có người mua".
Nhiều chủ kinh doanh cho biết thêm tuyến phố chuyên doanh này chủ yếu bán hàng hiệu, đắt tiền. Khách hàng phần lớn là khách du lịch, người khá giả. Tuy nhiên, khách du lịch chưa có nên việc kinh doanh của họ cũng ế ẩm theo.
Nghỉ bán để cắt lỗ
Cùng hoàn cảnh, chị Thảo, nhân viên shop giày dép ở đường Lê Duẩn nói tiền thuê mặt bằng ở đây lên đến gần 50 triệu/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cửa hàng phải đóng cửa nhiều tháng.
"Shop phải chấp nhận lỗ, bán tháo hàng hóa, tạm dừng kinh doanh để giảm chi phí. Khi thị trường mua sắm ấm lên, cửa hàng mới kinh doanh trở lại", chị Thảo nói.
Anh Toàn, chủ shop chuyên kinh doanh các thương hiệu quần áo nổi tiếng ở Đà Nẵng nói trung bình mỗi tháng anh phải bỏ ra 50 triệu đồng thuê mặt bằng, chưa kể tiền điện, nước và các chi phí khác.
Kinh doanh ế ẩm nên nhiều chủ cửa hàng đã sang nhượng, cho thuê lại mặt bằng. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Theo lời anh Toàn, khi chưa có dịch, mỗi tháng trừ đi các chi phí và lương nhân viên, cửa hàng ít nhất lãi 60-80 triệu đồng.
"Tuy nhiên, khoảng hơn 3 tháng nay tiền bán hàng không đủ trả tiền thuê mặt bằng", anh Toàn nói và cho biết đang tìm cách bán hết số hàng còn lại để sang nhượng shop.
Theo quan sát, 2 bên đường tuyến Lê Duẩn có đến hàng chục cửa hàng treo bảng thông báo sang nhượng. Các chủ cửa hàng đều chung lý do là hàng hóa ế ẩm nên phải trả mặt bằng hoặc sang nhượng lại cửa hàng để cắt lỗ.
Ông Nguyến Văn Lợi (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết căn nhà 4 tầng ở đường Lê Duẩn trước đây cho một người thuê bán quần áo. Ba tháng qua, ông đã giảm 50% tiền thuê mặt bằng nhưng người kinh doanh vẫn thua lỗ nên trả lại.
"Tôi treo biển hai hôm nay nhưng chưa có ai thuê. Dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nên buôn bán khó khăn. Người dân cũng không còn nhiều tiền để đi mua sắm", ông Lợi phân trần.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.