Mới đây, UBND quận 1 có báo cáo Sở GTVT về kết quả rà soát các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện theo quyết định của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố trên địa bàn.
Qua rà soát, UBND quận 1 cho biết trên địa bàn có 155 tuyến đường với vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa có thu phí và không thu phí.
Nhiều tuyến đường quận trung tâm TP.HCM đã được kẻ vạch, chuẩn bị cho sử dụng hè phố làm bãi giữ xe, điểm kinh doanh dịch vụ... có thu phí và không thu phí. |
Cụ thể, có 85 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần hè phố làm điểm giữ xe hai bánh không thu phí tiền dịch vụ trông, giữ xe; 54 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; 16 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện bố trí điểm trông giữ xe có thu phí.
Qua ghi nhận của PV VietNamNet, hiện nay nhiều tuyến đường của quận trung tâm TP.HCM đã được kẻ vạch sơn sử dụng tạm vỉa hè như Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cảnh Chân...
Theo quan sát, các tuyến đường này đều có vỉa hè rộng hơn 3 m và được sơn vạch màu vàng ở giữa để phân chia vỉa hè làm hai phần rộng 1,5 m nhằm tạo lối đi bộ với phần cho phép sử dụng vỉa hè để giữ xe, kinh doanh có màu vàng.
Hầu hết người dân đều vui vẻ chấp hành để xe gọn gàng trong phần diện tích được cho phép.
"Hiện tại, tôi chưa nghe ngành chức năng thông báo thu phí nhưng khi kẻ vạch, sắp xếp lại trật tự vỉa hè tôi rất đồng tình. Việc phân chia vỉa hè như hiện nay tạo được mỹ quan đô thị, người dân buôn bán, để xe trật tự, gọn gàng và tạo lối đi bộ thông thoáng rất cần thiết giúp mọi người đi lại thoải mái hơn", bà Trần Thị Thúy, chủ quán ăn trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, chia sẻ.
Trước đó, hồi tháng 9, tại kỳ họp chuyên đề kỳ họp lần thứ 11, HĐND TP.HCM đã biểu quyết đã thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn từ ngày 1/1/2024.
Theo đó, TP.HCM chia thành 5 khu vực, trong đó khu vực quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu phí cao nhất 50.000 đồng/m2/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m2/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán… (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe).
Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe sẽ chịu mức phí 350.000 đồng/m2/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày/tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.
Sở GTVT TP được giao tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do cơ quan này quản lý; UBND cấp quận - huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp quận - huyện quản lý.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.