Nhiều ngày nay, ông Trần Văn Toàn, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn nhìn thấy màu bàng bạc bao quanh tòa nhà cao nhất thành phố Landmark 81. Khác với mọi ngày, người đàn ông này đeo thêm lớp khẩu trang N95 mới mua ở hiệu thuốc.
“Những ngày qua báo chí, mạng xã hội đưa tin không khí ô nhiễm nghiêm trọng nên đeo loại khẩu trang chuyên dụng cho an toàn”, ông Toàn nói.
Dân thấp thỏm chờ công bố
Cũng như hàng triệu cư dân khác của thành phố, ông Toàn chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về chất lượng không khí trong những ngày qua. Những thông tin về các chỉ số bụi, tiếng ồn trên bảng thông báo ở một số tuyến đường đều quá cũ.
“Công nghệ quan trắc ngày càng hiện đại, chỉ cần vài giờ là cho kết quả chất lượng không khí có bị ô nhiễm hay không. Không hiểu vì sao cả tuần trôi qua mà thấy thành phố vẫn im thin thít?”, ông Toàn thắc mắc.
Dù đã tháng 9 nhưng chỉ số không khí được thông báo của tháng 8. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo dõi thông tin trong 1 tuần qua, GS.TSKH Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường) cho rằng thành phố đã thụ động khi không đưa ra kết quả quan trắc chất lượng không khí và các cảnh báo đến người dân.
Với những sự cố này, các thành phố lớn thường quan trắc rất nhanh và đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông hoặc gửi qua ứng dụng kết nối.
"Người dân sống trong tâm trạng bất an trước hàng loạt thông tin về ô nhiễm không khí nhưng cơ quan chức năng thì lấy mẫu rồi chờ. Trong khi lẽ ra phải quan trắc tự động, cho ra kết quả trong vòng vài giờ. Điều này cho thấy thành phố chưa quan tâm đến vấn đề quan trắc chất lượng không khí", GS Bá phân tích.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định thành phố đã chậm trễ trong việc công bố chất lượng không khí đến người dân. Với các hiện tượng thời tiết bất thường, người dân cần biết ngay thông tin ô nhiễm và các biện pháp phòng tránh.
Quan trắc thủ công, lấy mẫu rồi... đợi
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM), thừa nhận trung tâm có sự chậm trễ trong việc công bố thông tin đến người dân. Theo ông Sơn, sự chậm trễ này xuất phát từ phương pháp đo thủ công, gián đoạn.
Theo đó, trung tâm lấy mẫu định kỳ, đem vào phòng thí nghiệm phân tích và chờ đợi kết quả nên thời gian kéo dài. "Đơn cử như lấy mẫu để đo mức độ bụi, mẫu mang về phòng thí nghiệm sấy trong 24 giờ, sau đó đưa ra ngoài cho ổn định rồi mới đem đi cân, tổng cộng mất 3 ngày mới có kết quả”, ông Sơn phân trần.
Các chỉ số về bụi tổng và tiếng ồn tại ngã sáu Cộng Hòa vượt tiêu chuẩn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Từ kết quả này, trung tâm báo cáo về Sở Tài nguyên Môi trường trước khi chuyển qua Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn công bố trên các bảng thông báo tại một số tuyến đường. Do đó, kết quả quan trắc cùng các cảnh báo đến với người dân thường chậm.
Thông thường, kết quả trên các bảng thông báo thể hiện chỉ số quan trắc của tháng trước.
Để khắc phục hạn chế của phương pháp đo thủ công, ông Sơn cho biết đã kiến nghị thành phố đầu tư hệ thống quan trắc tự động để có kết quả nhanh hơn, từ đó đưa cảnh báo kịp thời đến người dân. Trung tâm đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo thủ tục đầu tư công.
"Dự kiến có 9 trạm quan trắc đặt rải rác ở các quận huyện, chất lượng không khí được cập nhật 5 phút/lần. Với tiến độ thực hiện các thủ tục như hiện nay, các trạm sẽ được lắp đặt sau năm 2020", ông Sơn thông tin.
Ông Sơn cho biết hiện tượng mà người dân thấy trong những ngày qua là mù khô nhưng ô nhiễm đến mức độ nào phải chờ kết quả quan trắc. Theo chuỗi số liệu từ năm 2015 đến năm 2018, hiện tượng mù khô duy trì khoảng 7 ngày rồi tan. Trong những ngày này, các chỉ số bụi lơ lửng, NO2, bụi PM10 tăng 1,6 - 2,5 lần so với bình thường.
Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định ô nhiễm không khí trong những ngày qua do cháy rừng ở Indonesia. Theo ông, nếu do cháy rừng thì các vùng biển sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nhưng hiện tượng mù khô chỉ xuất hiện ở đô thị.