Xã hội
Quán nước cối đá độc đáo của cụ bà trên vỉa hè Hà Nội
- Thứ ba, 13/5/2014 10:24 (GMT+7)
- 10:24 13/5/2014
Hơn 20 năm qua, bà Chính sưu tập bộ cối đá cổ gồm 17 chiếc ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) về làm ghế ngồi cho khách trong quán trà.
|
Gần ngôi chùa Bà Già thuộc làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, có một quán trà mà dân làng thường ra ngồi như một thói quen hàng ngày. Họ ra đó không chỉ để uống nước, tán chuyện mà còn vì sự thích thú với bộ ghế bằng cối đá cổ và những câu chuyện quanh chúng. |
|
Chủ nhân của bộ cối đá cổ này là bà Nguyễn Thị Chính (85 tuổi). Bà Chính cho biết có tổng cộng 17 cối đá cổ to nhỏ với những câu chuyện khác nhau. Đó là những chiếc cối đá mà dân làng Phú Gia trước đây dùng để đập lúa, giã gạo. Từ thời bà mới sinh ra, các cụ thường gác những chiếc cối này lên và đập lúa vào mùa vụ, sau đó cũng dùng chính những chiếc cối này để giã gạo. |
|
Sau này, có máy tuốt lúa bằng điện, không ai còn sử dụng nữa nên cối đá thường bị vứt xó. “Tôi thích những chiếc cối này nên đã đi gom về. Đa phần, đó là những chiếc cối của các gia đình địa chủ thời xưa. Vì có nhiều ruộng đất nên họ có cối to để đập lúa, giã gạo”. |
|
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi làng đào ao mở rộng diện tích, phát hiện chiếc cối cổ rất lớn, tôi và con trai cả đi xuống đó mò và vần về để ở góc nhà. Đó là chiếc cối đầu tiên cũng là chiếc mất nhiều công sức nhất. Sau đó thấy nhiều hộ cũng có những chiếc cối đá cổ nhưng không dùng đến, tôi hỏi mua về với giá 200.000 đồng/chiếc để làm ghế bán hàng nước ở đầu đình. |
|
Bà Chính với mái tóc bạc trắng như cước nhưng da dẻ vẫn hồng hào kể về kỷ niệm khi sưu tập cối đá cổ. |
|
Bà Chính cho biết, việc lưu giữ cối đá cổ này là một cách gìn giữ văn hóa của làng. Cùng với đình, chùa Bà Già cổ kính thì cối cổ cũng là một phần trong nét sinh hoạt của người dân Phú Gia. Mỗi một cối đá đều có niên đại hàng trăm năm tuổi và gắn với một kỷ niệm. "Sâu sắc nhất vẫn là chiếc cối được hai mẹ con mò dưới ao làng lên. Vì ngâm bùn nên nó rất nặng. Vất vả lắm, chúng tôi mới mang được lên bờ và phải dùng xe bò chở về nhà. Khi mở hàng nước, các cụ già rất thích ngắm chúng, thường ra bình luận, lớp trẻ thì tò mò hiếu kỳ. Có nhà còn ra mượn cối nhỏ về để giã riềng". |
|
Anh Cao Ngọc Anh (28 tuổi), người làng Phú Gia cho biết, hồi còn bé, anh thường ra đây ngồi lên ghế đá và nghe cụ kể chuyện lịch sử làng hay chuyện những lần vận chuyển cối đá cổ về. Có cối đá cổ được những gia đình giàu có mua từ thương lái ở Hải Dương thời xưa...
|
|
Bà Cao Lệ Vân, tổ trưởng tổ 22, cụm 3 phường Phú Gia cho biết, thời điểm những năm 90 thế kỷ trước, bà Chính đã đi gom cối về đặt ở quán trà đá ở ao làng. Từ khi bộ cối đá cổ được đặt trước đình làng, nhiều người từ cụ già đến thanh niên thường xuyên tìm đến. Mùa hè, mỗi khi mất điện là quán nước của bà Chính lại là nơi tụ họp cả khu phố. |
|
Ông Nguyễn Lê Hoàng, chủ tịch phường Phú Thượng cho biết: “Bộ sưu tập cối đá cổ của bà Chính ở phường Phú Gia là một minh chứng cho nền văn hóa lúa nước của làng. Những chiếc cối cổ của bà Chính có niên đại hàng trăm năm. Ngoài bà Chính, còn có anh Nguyễn Thanh Hưng (SN 1968) ở cùng thôn cũng có sưu tập khoảng 20 chiếc cối đá cổ. Vào những ngày hội làng đầu năm, phường cũng thường mượn cối đá cổ của cụ Chính để làm trụ cột treo cờ". |
Hà Nội
cối đá cổ
Nguyễn Thị Chính
làng Phú Gia
xã Phú Thượng
quận Tây Hồ