Đó là anh Huỳnh Hữu Lộc, 35 tuổi, ngụ tại tổ 14, thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Với gần 20 năm sưu tầm cối đá cổ, giờ đây căn nhà nhỏ của anh đã có 3.500 chiếc cối đá với 3 loại kích cỡ. Cối lớn, cối vừa và cối nhỏ, trọng lượng từ 20 - 100kg.
Ông vua cối đá Việt, Huỳnh Hữu Lộc. |
Theo trí nhớ của anh Lộc thì anh đam mê cối đá từ khi 15 tuổi. Trong một lần về quê ngoại ở Diên Khánh cách Nha Trang 10km, anh đã dính phải "bùa mê" với chiếc cối đá nhà bà ngoại.
“Ngày ấy làng quê không nhà nào là không có cối xay, cối giã. Ngày mùa, có thể đập lúa bằng cối đá. Có nhà làm cối từ đời ông đến tận đời cháu chắt vẫn còn có thể sử dụng tốt và chiếc cối đầu tiên của tôi là từ cụ ngoại để lại”, anh Lộc kể.
Để theo đuổi đam mê của mình, anh Lộc đã phải lặn lội lên nhiều vùng núi ở các tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, thậm chí ra ngoài Bắc… Miễn nghe được ở đâu có cối đá cổ là anh tìm tới để sưu tầm.
Có lần, anh di chuyển cối đá từ Bình Định về Nha Trang thì xe nổ bánh trên đèo Cả cắt giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa lúc nửa đêm. Đang trên núi cao, sóng điện thoại lúc có lúc không, “thật là hiểm cảnh, ngoài sức tưởng tượng”. Anh và tài xế đành ngủ lại trong xe đợi trời sáng mới thuê xe cẩu cẩu cối đá xuống để vá vỏ.
Mỗi chiếc cối anh mua có giá từ 400.000 – 650.000 đồng, hầu hết đều đã không còn được sử dụng trong cuộc sống.
Trở thành ông vua cối đá Việt
Theo anh Lộc, việc sưu tầm cối đá diễn ra không hề đơn giản. “Mỗi chiếc cối tôi mua với giá cao thấp tùy vào khối lượng và tính nguyên vẹn của cối. Dù vậy nhiều người dân vẫn quyết không chịu bán, dù mình đã nói rất rõ là sưu tầm và lưu giữ chứ không có ý đồ xấu, phá cối hay vứt bỏ gì”, anh Lộc giải thích lại chuyện mua cối đá.
Trong trí nhớ anh Lộc vẫn còn in hằn câu chuyện về chiếc cối đá được làm từ năm 1916, của gia đình họ Nguyễn tại Diên Sơn (Diên Khánh, Khánh Hòa). Hai chiếc cối ấy in hằn nhịp xay, giã của 5 thế hệ gia đình họ Nguyễn, tồn tại qua các cuộc chiến tranh chống Pháp - Nhật - Mỹ của dân tộc. Đó là 2 chiếc cối lâu đời nhất trong bộ sưu tập của anh.
Những chiếc cối được sắp chồng lên nhau, tạo thành hình ảnh lạ mắt. |
“Có thể nói mỗi chiếc cối này là nhân chứng cho số phận của 1 gia tộc”, anh Lộc nhớ lại câu nói của một người đã bán cối cho mình. Trong bộ sưu tầm cối đá của anh, có nhiều chiếc cối đá là của người dân mang tới gửi anh để trưng bày và cũng là để tránh hỏng hóc, vỡ bể khi để tại gia đình.
Ông Thanh, 68 tuổi, (ngụ Vĩnh Ngọc, Nha Trang) chỉ tay vào 1 cối đá cho biết: “Chiếc cối này qua 3 đời nhà tôi rồi, giờ để không sợ con cháu không biết lại đem vứt đi, hay đập bể thì phí lắm. Tôi đưa vô đây để cùng anh Lộc trưng bày”.
Những chuyện sưu tầm cối cũng lắm khi cười ra nước mắt. “Mua cối người ta lại tưởng trong cối có vàng hay của quý gì, nên nhất định không chịu bán. Nhưng sau 1 hồi lần mò, coi lại chính cái cối mình đã dùng hàng chục năm nay không có gì đặc biệt họ mới chịu bán”, anh Lộc kể.
Khi giải thích về nguyên nhân lựa chọn cối đá giữa muôn vàn thú chơi thời thượng, anh Lộc thổ lộ: “Với chi phí để bỏ ra sưu tầm 3.500 chiếc cối đá và trong tương lai sẽ còn nhiều hơn thì tôi hoàn toàn có thể chọn lĩnh vực khác để kinh doanh. Nhưng tôi thích cối đá hơn, tôi đam mê và lựa chọn nó”.