Trong bối cảnh cầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nhiều chủ đầu tư văn phòng Hà Nội liên tục tăng giá thuê, đặc biệt là với phân khúc hạng A.
Theo báo cáo của Savills, công suất cho thuê trung bình của thị trường văn phòng Hà Nội luôn ở mức cao với tỷ lệ trung bình đạt 92% trong nửa đầu năm 2019, riêng nhóm văn phòng hạng A đạt 91%. Đây là tỷ lệ lấp đầy cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến năm 2019, tổng diện tích văn phòng cho thuê ở Hà Nội là 1,76 triệu m2 đến từ 168 dự án. Trong đó nhóm văn phòng hạng A có diện tích 460.000 m2, tương đương 26%.
Lotte Center Hanoi là một trong những tòa nhà văn phòng hiện đại nhất Hà Nội với tỷ lệ cho thuê đạt 100% tính đến đầu năm 2019. Ảnh: TL. |
Nhóm văn phòng này tập phân bố ở 3 khu vực chính là khu trung tâm quận Hoàn Kiếm; khu cận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa; khu phía tây quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy.
Tại quận Hoàn Kiếm, văn phòng hạng A được cung cấp ở các tòa nhà như Hanoi Towers, CornerStone Building, Pacific Place, Sun Red River, BIDV Tower, Capital Tower, Leadvisor Place... Với khu cận trung tâm ở quận Ba Đình, Đống Đa có các tòa nhà văn phòng như Lotte Center Hanoi và Daeha Business Center... Khu phát triển phía tây thành phố gồm các tòa nhà như Landmark 72, PVI Tower và Indochina Plaza Hanoi...
Giá văn phòng hạng A ở Hà Nội đang có xu hướng ngày càng cao và tỷ lệ lấp đầy lớn cho nhu cầu tăng nhưng nguồn cung không đáp ứng kịp. Dịch vụ cho thuê văn phòng ở khu trung tâm Hoàn Kiếm tăng 3% so với năm 2018. Chỉ trong 5 năm qua, giá cho thuê trung bình ở khu vực này đã tăng 20%, từ 32 USD/m2/tháng lên 40 USD/m2/tháng.
Tuy nhiên theo Savills, các công ty hiện nay lại có xu hướng tìm kiếm văn phòng ở khu vực phát triển cận trung tâm và khu phía tây Hà Nội nhiều hơn. Nguyên nhân là do ở khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, các tòa nhà văn phòng đã cũ, dự án văn phòng hạng A mới nhất cũng đã khánh thành được 6 năm.
Các tòa nhà văn phòng khu vực nội đô quận Hoàn Kiếm còn bị khống chế chiều cao và không gian. Do đó, các công ty nước ngoài lớn và ngân hàng, đòi hỏi mặt bằng rộng, đã chuyển đến những khu vực phát triển mới.
Keangnam Landmark 72 của chủ đầu tư Hàn Quốc nằm ở khu vực phát triển phía Tây thành phố, có tỷ lệ cho thuê đạt 99%. Ảnh: TL. |
Trong khi đó, khu Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa lại có nhiều tòa nhà lớn và hiện đại với hệ thống hạ tầng tiện ích xung quanh đồng bộ. Các tiện ích như hệ thống đường sắt trên cao, trung tâm thương mại, khu khách sạn và căn hộ dịch vụ, tuyến đường giao thông thuận tiện đi đến các khu trung tâm, khu công nghiệp và sân bay.
Đây là những tiện ích được các công ty nước ngoài đặc biệt quan tâm. Các công ty nước ngoài là nhóm khách hàng thuê chính, chiếm 66% tổng số khách thuê văn phòng tại Hà Nội.
Khu cận trung tâm cũng là nơi tập trung nhiều nhân viên văn phòng nhất thành phố với số lượng lên đến 435.228 người. Theo thống kê, quận Ba Đình là nơi tập trung nhiều nhân viên văn phòng đến làm việc nhất. Ước tính các doanh nghiệp có trụ sở tại đây đang có khoảng 230.000 nhân viên văn phòng.