Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quân khu Nam Đồng': Sức hấp dẫn từ chuyện kể quá khứ

Bằng lối dẫn dắt nhẹ nhàng, giản dị cuốn tự truyện tập thể "Quân khu Nam Đồng" đã tạo nên một sức lôi cuốn rất lạ, rất riêng với những độc giả trẻ tuổi.

Cuốn sách không chỉ là món quà cho những thế hệ cư dân cũ của khu tập thể Nam Đồng, nó còn ghi lại một phần ký ức thú vị bất ngờ của Hà Nội mà nhiều người có thể đã nghe qua nhưng chưa thực sự biết đến.

Xin một vé về tuổi thanh niên

Quân khu Nam Đồng là cuốn tự truyện hồi tưởng về một thời trai trẻ của tác giả Bình Ca, một người con sống và lớn lên trong mô hình tập thể nhà binh Nam Đồng. Tác giả viết cuốn sách để nhớ về một thời đã qua, những kỷ niệm của một nhóm tướng con ngang tàn nhưng hào sảng, nghĩa hiệp đậm chất lính chảy trong huyết quản.

Ở đó có Hòa, Việt, Anh Sơn, Ngọc, Hà Tư, Khanh, Mai Hương, Hoàng Yến và cô Ninh, cô Cúc, thầy Toàn… những cư dân của quân khu. Mỗi người một số phận cũng có nỗi niềm riêng, dưới lăng kính khách quan và đậm chất nhân văn ở đó họ trở nên gần gũi, dễ chịu hơn, gắn liền với cuộc sống rất đỗi bình thường. Trai Nam Đồng không xấu như người đời truyền miệng bởi đơn giản không phải ai cũng đủ dũng cảm để nhớ và kể lại câu chuyện của đời mình. 

Cuốn Quân khu Nam Đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tác phẩm không có nhân vật chính. Mỗi chương gồm nhiều câu chuyện nhỏ, giàu chi tiết của các nhân vật góp lại tạo nên một mạch chính chặt chẽ theo từng năm hay một sự kiện lớn nào đó. Nhiều nhân vật là vậy nhưng dưới ngòi bút của tác giả, họ đều có cá tính riêng nổi trội không thể lẫn lộn trong đám nhốn nháo nghịch ngợm. Từng người được phát triển rõ ràng mạch lạc, liên hệ cho phần kể sau này.

Người đọc sẽ được đưa trở lại những miền ký ức đã lâu, tái hiện bối cảnh sinh sống những cư dân nơi đây, cả suy nghĩ trăn trở hay thậm chí là cả giây phút rung động đầu đời. Bình Ca tự nhận mình là một tay mơ trong làng văn học nên tác phẩm của ông cũng có giọng văn rất tự nhiên, dựa trên những chất liệu thực tế mà không cường điệu, khiên cưỡng độc giả.

Đa phần nhân vật xuyên suốt trong chuyện đều là nhóm thanh niên đang ở tuổi ăn tuổi lớn, suy nghĩ khờ dại nhưng lại mang sĩ diện cao của tuổi trẻ. Những đứa trẻ lớn lên ở Nam Đồng thời bấy giờ thật may mắn có một tuổi trẻ độc nhất vô nhị mà không ai ở thời bình có thể mường tượng ra.

Chiến tranh, đau thương là vậy nhưng họ vẫn lạc quan kiểu tếu táo con nhà binh, đùa giỡn ngay cả khi bom Mỹ cận kề. Những trận đánh lớn vì lý do lãng xẹt, từng tốp thanh niên mặc áo lính không quản ngại việc mình có thể vào tù mà lao lên phía trước chỉ vì máu nghĩa hiệp trong người. Ở thời bình chúng ta chỉ có thể gặp những trận chiến học đường như vậy trên phim ảnh chứ chẳng thể hình dung thế hệ cha chú cũng có một thời dữ dội như thế.

Trận đánh trước cổng trường, trận đánh trường Trưng Vương hay vô số những trận đại chiến khác là những chi tiết cuốn hút của Quân khu Nam Đồng. Bởi chúng có chiến thuật bài bản, cũng có những toan tính chẳng kém mãnh tướng ra trận xưa kia.

Viết về những "trận đánh" nhưng Bình Ca không cổ vũ chuyện bạo lực. Ông viết để người đọc thấy được tâm tư suy nghĩ của những ông tướng con, dù thượng cẳng tay hạ cẳng chân cũng có lý lẽ. Từ đó mối quan hệ của họ càng bền chặt, gắn bó với nhau hơn, tạo nên một tập thể đoàn kết, rồi dần tự trưởng thành hoàn thiện bản thân bất chấp thách thức định kiến xã hội. Cuốn sách cũng khẳng định lại một điều không phải tất cả "dân quân khu" đều là người người xấu và ngược lại cũng những tình tiết hé lộ khiến người đọc không khỏi bất ngờ.

Viết cho ký ức để nhớ tới hiện tại

Những quân khu như Nam Đồng, Lý Nam Đế... từ lâu đã trở thành một mảng ký ức của người dân Hà Nội những năm 1980. Thậm chí cư dân quân khu Nam Đồng thời ấy nổi tiếng đến mức, trang phục của họ ảnh hưởng lớn đến một số đô thị miền Bắc.

Đó là dép rọ cao su, áo quần bộ đội rộng thùng thình, và mũ cối. Mũ cối vừa là trang phục đặc trưng vừa là "vũ khí" khi lâm trận tạo nên một hình ảnh khó quên với người dân Hà Nội. Bình Ca đã thành công khi viết Quân khu Nam Đồng một cách hóm hỉnh, dịu nhẹ, có thể là một phần giải oan cho hiểu lầm bấy lâu.

Đâu đó trong đời sống chiến tranh vẫn phảng phất những câu chuyện tình. Cái tình trong đó cũng đặc biệt không kém. Họ yêu ghét tuy đơn giản nhưng chân thành, dù một lời hứa nhưng nhớ mãi về sau. Ở đó tạo cho câu chuyện những khoảng lặng cảm xúc nhất định, gợi nhớ mất mát, sự chia lìa do chiến tranh tạo ra.

Cái thời mà những thanh niên quân khu Nam Đồng muốn thể hiện tình cảm phải vắt óc lắm mới viết được một lá thư tình, cũng phải lầy lòng phụ huynh hay vướng phải những chuyện “tình chị duyên em” có một không hai khác hẳn lớp trẻ bây giờ, yêu vội sống gấp.

Quân khu Nam Đồng là một tác phẩm đầu tay của một tác giả cũng không chuyên. Nhưng có lẽ tinh thần văn chương "vị kỷ" một cách tự nhiên khi xác định sách chỉ để lưu lại ký ức của bản thân và những con người đã sống ở nơi đó đã khiến cuốn sách hay và cuốn hút. Quân khu Nam Đồng xứng đáng là hiện tượng xuất bản của năm 2015.



Hoa Khang

Bạn có thể quan tâm