Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ Việt – Mỹ và vai trò đặc biệt của hai vị đại sứ

Ngày 16/10, khi Nhà Trắng chính thức thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ tới Hà Nội thăm cấp nhà nước chứ không chỉ dự APEC ở Đà Nẵng, rất nhiều người đã bất ngờ.

Trước đó hai tuần, một viên chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Việt Nam trong cuộc gặp gỡ báo chí đã nói chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ chỉ “đến một điểm” (Đà Nẵng) dự APEC vì lịch trình quá dày của chuyến đi.

Danny Russel, nguyên trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á thời kỳ Tổng thống Obama, giải thích chuyến đi 5 nước của Tổng thống Mỹ lần này thực tế là “2 chuyến gộp vào 1”. Với 5 quốc gia, ban đầu Mỹ chuẩn bị cho 2 chuyến thăm khác nhau.

Một loạt đoàn ngoại giao các nước ở Hà Nội khi đó nháo nhào nhắn tin, hỏi về tính xác thực của thông tin. Với thay đổi lịch trình của ông Trump, các đoàn ngoại giao đều phải tính toán, điều chỉnh lại phương án lịch trình cho lãnh đạo mình.

Dai su Pham Quang VInh va Ted Osius anh 1
Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt tay cùng Tổng thống Barack Obama khi ông rời Việt Nam sau khi kết thúc chuyến thăm tháng 5/2016. Ảnh: Tiến Tuấn.

“Việc tưởng chừng không thể”

Nếu 10 năm trước ai đó nói Việt Nam là nước đầu tiên ở ASEAN thăm Nhà Trắng sau khi một tổng thống Mỹ đắc cử thì “đó sẽ là điều không thể tin nổi”.

Murray Hiebert, chuyên gia châu Á của CSIS

Sự tích cực của ông Vinh trong các hoạt động ở Washington DC đã được nói đến từ lâu trong thúc đẩy quan hệ song phương. Cũng quan trọng không kém là vai trò của người đồng cấp với ông, Đại sứ Ted Osius (người mới rời nhiệm sở hôm cuối tuần).  

“Cần phải ghi nhận vai trò của Đại sứ Ted Osius và Phạm Quang Vinh. Cả hai đóng vai trò quan trọng để chính phủ hai bên hành động nhanh chóng nhằm duy trì đà tiến của quan hệ song phương (sau khi Trump nhậm chức)”, GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia trả lời Zing.vn về chuyến đi.

Dai su Pham Quang VInh va Ted Osius anh 2
Đại sứ Ted Osius đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington DC trong chuyến thăm theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Thanh Tuấn. 

Murray Hiebert, chuyên gia châu Á của CSIS và là cựu ký giả của tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER), cũng thừa nhận vai trò của hai nhà ngoại giao kỳ cựu này.

Trong cuộc nói chuyện ở ĐH Fulbright hồi tháng 9, ông nhắc về sự tích cực của đội ngũ sứ quán Việt Nam ở Washington, đặc biệt là của đại sứ Phạm Quang Vinh, trong việc chủ động kết nối với chính quyền, quốc hội và cơ quan khác nhau ở Washington DC. 

“Thủ tướng Phúc là một trong những lãnh đạo đầu tiên của ASEAN gọi điện cho Trump. Các chuyến thăm liên tiếp của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch… ”, ông Hiebert nói. “Việt Nam luôn giữ được sự chú ý của giới chức Mỹ”.

Ông bình luận nếu 10 năm trước ai đó nói rằng Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở ASEAN thăm Nhà Trắng sau khi một tổng thống Mỹ đắc cử thì “đó sẽ là điều không thể tin nổi”.

Dai su Pham Quang VInh va Ted Osius anh 3
Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) cùng Murray Hiebert (giữa) và Đại sứ Ted Osius trong cuộc trao đổi ở CSIS tháng 3/2015. Ảnh: CSIS. 

Những thay đổi quan hệ vượt bậc

Thực tế thì quan hệ hai nước trong ba năm qua, với sự góp sức của hai đại sứ, đã có những thay đổi vượt bậc.

Tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống Mỹ. Chuyến đi được đánh giá như sự thừa nhận cao nhất của Washington đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

Tháng 5/2016, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Barack Obama chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam – xoá bỏ một trong những di sản cuối cùng của chiến tranh trong quan hệ hai nước. Cũng trong chuyến thăm đó, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy tổng thống Mỹ trích bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, nhắc tới Truyện Kiều, Trịnh Công Sơn hay Ngô Bảo Châu... - tất cả có sự tư vấn rất kỹ từ Đại sứ Ted Osius. 

Ngoài chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng 5, với chuyến thăm lần này ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ 4 liên tiếp tới thăm Việt Nam.

Và lần đầu tiên trong lịch sử, trong hai năm liên tiếp, VN tiếp hai tổng thống Mỹ khác nhau. Tổng thống Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm VN trong năm đầu của nhiệm kỳ. Các tổng thống Clinton, Bush hay Obama đều thăm VN khi đã ở cuối nhiệm kỳ 2.

Tháng 3/2015, một sự kiện đặc biệt đã được CSIS tổ chức. Nhân 20 năm kỷ niệm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở Washington DC này đã mời Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tới dự một cuộc thảo luận chung ở Washington DC. Cuộc thảo luận đó là lần hiếm hoi khi đại diện hai nước ở hai đầu cầu Washington DC và Hà Nội cùng xuất hiện trao đổi ở CSIS.

Đại sứ Osius khi đó nói: “nếu các bạn muốn một cuộc tranh luận ở đây thì các bạn sẽ thất vọng vì tôi chia sẻ rất nhiều quan điểm với Đại sứ Vinh – đây chính là người phù hợp: đúng thời điểm, có đủ kinh nghiệm và nhiệt huyết để đảm nhận nhiệm vụ này”.

Dai su Pham Quang VInh va Ted Osius anh 4
Đại sứ Phạm Quang Vinh tiếp chuyện tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trước khi ông tới Hà Nội nhận nhiệm vụ. Ảnh: Twitter Đại sứ Phạm Quang Vinh.

"Ông ấy dám nói và làm được" 

Đại sứ Osius, người vừa chính thức rời vị trí người đứng đầu sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong tuần này, từng nói về người đồng cấp của mình trong phỏng vấn với Zing.vn: “Ông ấy là người bản lĩnh, dám nói và làm được”.

Đại sứ Vinh được chỉ định làm đại sứ thứ 5 ở Mỹ từ tháng 7/2014. Trước đó ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Ông cũng là người đại diện VN tại các cuộc gặp quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN trong giai đoạn từ 2007-2014. Trước đó ông từng làm việc ở New York và Thái Lan.

Cả Đại sứ Ted Osius và Đại sứ Vinh là những nhà ngoại giao rất tích cực và nhiều ý tưởng.

Murray Hiebert, chuyên gia châu Á của CSIS

Đại sứ Osius chính thức nhậm chức từ tháng 12/2014. Trước đó, ông từng dạy tại ĐH Chiến tranh Quốc gia của Mỹ từ 2013-2014 và từng là phó đại sứ ở Indonesia từ 2009-2012.

Việc trở thành đại sứ ở VN có thể coi như một vòng tròn khép kín đối với ĐS Osius: ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình đầu tiên ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc mở văn phòng sứ quán ở Hà Nội cũng như lập Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM trong những năm 1990.

Kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam, ông Osius đã quyết định ở lại để làm Phó chủ tịch ĐH Fulbright, một dự án hợp tác giáo dục quan trọng giữa hai nước.

“Cả Đại sứ Ted Osius và Đại sứ Vinh là những nhà ngoại giao rất tích cực và nhiều ý tưởng. Cả hai có vai trò rất lớn trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam”, ông Hiebert bình luận với Zing.vn sau khi ông Osius thông báo rời toà đại sứ ở Hà Nội.  

Theo ông, sẽ rất khó để đạt được những thành tựu như hai đại sứ đã làm được nhưng họ đã tạo ra nền tảng vững chắc để những người kế nhiệm có thể đẩy sâu hơn quan hệ song phương.

“Cả hai chính phủ đã đề cử những ứng viên rất mạnh và nhiệt huyết để thay thế hai đại sứ nên tôi tin tưởng quan hệ song phương sẽ vẫn được lèo lái bởi những nhà ngoại giao chất lượng”, Hiebert nhận định.

Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã tới Hà Nội tối 4/11 và trình quốc thư cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào sáng 6/11.

Trong hoàn cảnh hiện tại của Washington, việc Mỹ đề cử đại sứ mới tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, nguyên giám đốc cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thời Obama và từng là Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, được coi là lựa chọn nhân sự chất lượng. “Các bạn được đối đãi khá tốt với nhân sự đại sứ này”, Hiebert cười khi nói về ứng viên tân đại sứ.

Ông Kritenbrink là một người hiểu khu vực và từng tham gia sâu trong quá trình soạn thảo tuyên bố chung các chuyến cấp cao trong hai năm 2015 và 2016 giữa hai nước. 

Quan hệ Việt - Mỹ: 22 năm và những chuyến thăm lịch sử Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 sẽ nối tiếp những dấu mốc lịch sử mà hai nước đã gây dựng trong 22 năm qua.

Trump thăm châu Á: Chuyến đi dài nhất 25 năm qua của tổng thống Mỹ

Quan chức Nhà Trắng nói lần cuối một chuyến thăm tổng thống Mỹ tới khu vực dài như vậy là chuyến thăm của Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12/1991.

Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở: Định hình chiến lược Trump ở châu Á

Cuối cùng thì chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump với châu Á đã bắt đầu lộ diện – ít nhất từ cái tên và một số chi tiết ban đầu về chính sách.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm