Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở: Định hình chiến lược Trump ở châu Á

Cuối cùng thì chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump với châu Á đã bắt đầu lộ diện – ít nhất từ cái tên và một số chi tiết ban đầu về chính sách.

Trong khi có nhiều quan ngại chính sách mới của Washington với khu vực chưa hề rõ ràng như “Tái cân bằng” hay “Chuyển trục” mà chính quyền Obama từng đưa ra và theo đuổi trong suốt 8 năm nhiệm kỳ, phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Nhà Trắng chỉ dấu sự hình thành của một chính sách mới.

Cách đây vài ngày, trong trao đổi điện thoại với phóng viên ở khu vực (trong đó có đại diện Zing.vn) của các quan chức cấp cao của Nhà Trắng – từ Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở” đã được nhắc tới 5 lần và được coi như thông điệp trung tâm cho chuyến đi châu Á bắt đầu từ hôm nay của Tổng thống Trump.

Chien luoc Trump o chau A anh 1
Chuyến đi châu Á từ 3-14/11 của Tổng thống Trump được Nhà Trắng cho biết là chuyến đi dài nhất tới khu vực kể từ 1991 tới nay. Ảnh: AFP. 

“Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở” được giải thích có trọng tâm là “hệ thống kinh tế quốc tế công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ, các nguyên tắc của thị trường”.

Tái cân bằng thương mại Mỹ - Trung

“Điều này có nghĩa là ủng hộ hoàn toàn hệ thống thương mại kinh tế dựa trên luật lệ và tôn trọng các tiêu chuẩn cao, đạt được quan hệ thương mại công bằng và hợp lý thông qua gỡ bỏ rào cản thương mại, giảm các thâm hụt thương mại kinh niên và tăng trưởng dựa trên thị trường”, quan chức cao cấp của Nhà Trắng nhấn mạnh.

Trong hệ thống mới này, một điểm nhấn nữa là việc quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ phải được “tái cân bằng” theo hướng giảm thâm hụt thương mại đối với Mỹ.

Chien luoc Trump o chau A anh 2
Chênh lệch xuất khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2013-2017 (năm 2017 tính đến tháng 8 với đơn vị tính là triệu USD. Số liệu: Cục Thống kê Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, hiện là nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất: 347 tỷ USD năm 2016. Trung Quốc vì vậy cũng được coi là trọng tâm của điều chỉnh chính sách lần này. Theo quan chức Nhà Trắng nền kinh tế Trung Quốc giờ quá lớn nên các hành vi kiểu bóp méo không chỉ ảnh hưởng đối với thị trường Mỹ mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.

“Về dài hạn, Trung Quốc cần có cách hành xử công bằng và có đi có lại với không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà tất cả doanh nghiệp trong vùng. Điều đó có nghĩa là cần chấm dứt các hoạt động thương mại, đầu tư kiểu ‘ăn tươi nuốt sống’”, quan chức Nhà Trắng nói.

Theo ông, các nước trong khu vực cần chấm dứt các ưu đãi, viện trợ từ nhà nước và tiếp cận một cách thị trường hơn khi cách làm hiện tại không bền vững. “Cần chấm dứt tình trạng giành lợi thế cạnh tranh bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ, hay buộc các nhà sáng tạo phải nộp tài sản trí tuệ của họ như là cái giá để được hoạt động kinh doanh ở nước đó,” quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh.  

Chien luoc Trump o chau A anh 3
Ông Trump nhiều lần nói về việc gây áp lực với Trung Quốc trong giai đoạn tranh cử. Sau đắc cử, do vấn đề Triều Tiên, ông được cho là đã linh động hơn với Bắc Kinh. Ảnh: AFP. 

Trả lời Zing.vn, chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS thừa nhận “Thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” là thuật ngữ đáng chú ý mới trong chính sách của Trump với khu vực.

Theo bà, đây là nỗ lực của Nhà Trắng để phát triển một chiến lược tổng thể đối với toàn vùng: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Australia, New Zealand và Ấn Độ - một cách tiếp cận tổng thể và tương đối khác so với “tái cân bằng” của Obama.

Thông điệp này thực tế đã được Ngoại trưởng Rex Tillerson nhắc đến trong bài phát biểu ở CSIS cách đây hơn hai tuần và sẽ là “phần quan trọng trong thông điệp của Tổng thống Trump khi ông tới khu vực.”

Dù bài phát biểu của Rex Tillerson là về Ấn Độ, trong bối cảnh bức tranh lớn của toàn Thái Bình Dương, dường như miếng ghép lớn nhất của chính sách Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương đang dần xuất hiện.

Ở đó, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh vai trò của các nền dân chủ như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Australia trong việc củng cố hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Chien luoc Trump o chau A anh 4
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong buổi thảo luận về quan hệ Mỹ - Ấn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. hôm 18/10. Ảnh: AFP.

Ấn Độ - Mỹ trụ cột ổn định hai đầu địa cầu

“Ấn Độ và Mỹ là hai trụ cột ở hai góc của địa cầu, đảm bảo cho an ninh và thịnh vượng của công dân hai nước và người dân toàn cầu”, ông Tillerson nói.

“Quan hệ đối tác chiến lược đang hình thành Delhi – Washington dựa trên cam kết chung về tuân thủ luật lệ, tự do đi lại, các giá trị chung và tự do thương mại”, Tillerson bổ sung.

Ấn Độ và Mỹ là hai trụ cột ở hai góc của địa cầu, đảm bảo cho an ninh và thịnh vượng của công dân hai nước và người dân toàn cầu.

Ngoại trưởng Rex Tillerson 

“Trung Quốc, trong khi cùng vươn lên như Ấn Độ, đã hành xử ít trách nhiệm hơn, có những lúc không tuân thủ trật tự thế giới cũng như các luật lệ”, ông Tillerson nói và nhắc tới những hành động trên biển của Bắc Kinh mà Mỹ coi là “khiêu khích”.

Trong thực tế thì ở hậu trường, cả Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đang muốn thúc đẩy các cuộc gặp bộ Tứ này. Nhưng việc triển khai hiện vấp phải sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh khi coi đó như động thái kiềm chế của Washington đối với mình.

Trở lại với trọng tâm của chuyến đi, bà Glaser cho rằng ông Trump sẽ tập trung hoàn toàn vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại thêm cân bằng (Mỹ giảm thâm hụt) và giảm mối nguy cơ từ Triều Tiên.

“Đó là những mục tiêu hàng đầu của ông ấy. Chúng ta sẽ chờ xem có kết quả cụ thể nào cho mục tiêu đó hay không”, chuyên gia của CSIS nhận định.

Murray Hierbert của CSIS cũng nhận định bài diễn văn của ông Tillerson là thông điệp quan trọng vì “Đây là diễn văn giải thích chính sách công khai đầu tiên” của ngoại trưởng Mỹ.

“Rõ ràng chúng ta đang thấy chính sách mới với châu Á đang hình thành... Tôi chưa rõ tên chính xác nó sẽ là gì, chúng ta phải coi Trump nói cụ thể gì trong chuyến đi thì sẽ rõ hơn được chi tiết”, ông nói. 

Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới khu vực từ ngày 3-14/11 là chuyến thăm dài nhất trong vòng 25 năm qua tới châu Á của một tổng thống Mỹ. Ông Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Tại Việt Nam, ông sẽ đến Đà Nẵng dự Tuần lễ Cấp cao APEC và ra Hà Nội gặp các lãnh đạo Việt Nam. 

Trump thăm châu Á: Chuyến đi dài nhất 25 năm qua của tổng thống Mỹ

Quan chức Nhà Trắng nói lần cuối một chuyến thăm tổng thống Mỹ tới khu vực dài như vậy là chuyến thăm của Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12/1991.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm