Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ chủ trì lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay này, cùng với đại diện một số ban ngành của Việt Nam, bao gồm hải quân, quân đội, biên phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... Lễ đón sẽ diễn ra vào đầu giờ chiều.
“Chuyến thăm này theo sau chuyến thăm lịch sử của tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong hơn 40 năm”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết trong một thông cáo. “Chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương. Chỉ 25 năm sau bình thường hóa, quan hệ ngoại giao của chúng ta đang tốt đẹp nhất từ trước đến nay”.
“Chuyến thăm này là bằng chứng cho cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, nơi các quốc gia giàu mạnh và độc lập tôn trọng chủ quyền của nhau, và tuân thủ luật lệ quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Stu Baker, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) số 9, nói trong thông cáo.
Khoảng 9h30 sáng 5/3, tàu USS Theodore Roosevelt nằm ở phao số 0, trước bãi Cát Vàng ở bán đảo Sơn Trà. Một tàu hộ vệ đang tiến sát vào cảng Tiên Sa. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tàu USS Theodore Roosevelt là tàu thứ 4 của lớp Nimitz có 5.000 thủy thủ, hỗ trợ và thực hiện các chiến dịch trên không ở ngoài biển. Nhóm tác chiến có tổng cộng 6.500 thủy thủ, bao gồm một tàu sân bay, biên đội máy bay chiến đấu, một tàu tuần dương, và 6 tàu khu trục.
“Chuyến thăm này không chỉ củng cố quan hệ quốc phòng song phương, mà còn giúp thắt chặt quan hệ chuyên môn và văn hóa giữa chúng ta”, Đại tá Brett Crozier, chỉ huy của tàu USS Theodore Roosevelt, nói.
“Chúng tôi vinh dự được tham gia chuyến thăm cảng rất quan trọng này và nhận được sự chào đón nồng ấm”.
Các thủy thủ trên tàu dự kiến tham gia một số hoạt động giao lưu nhân dân từ ngày 5-8/3, bao gồm các hoạt động thăm cơ sở từ thiện, thi đấu thể thao, và ca nhạc.
Theo giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, chuyến công tác của nhóm tác chiến tàu sân bay CVN-71 ở Biển Đông cho thấy Mỹ tiếp tục duy trì chiến lược hiện diện thường xuyên và thực hiện tự do hàng hải tại khu vực.
“Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương có chính sách lâu dài là tiến hành cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến công tác của tàu sân bay CVN-71 là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện”, giáo sư Thayer nói.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là hạm đội lớn nhất của Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia khác “để xây dựng sự hợp tác, củng cố sự ổn định, an ninh hàng hải, và ngăn chặn xung đột”, cũng theo thông cáo.