25 năm quan hệ Việt - Mỹ có lẽ được minh họa rõ nét nhất qua những con số đã tăng gấp hàng chục lần. Thương mại song phương tăng 70 lần, số người Mỹ thăm Việt Nam tăng gần 12 lần, số du học sinh Việt ở Mỹ tăng 40 lần.
Đó là những thành tựu được cả hai bên nêu ra nhân dịp Lễ khởi động các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ ngày 18/12 ở Hà Nội.
Logo kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ cũng được công bố tại buổi lễ, từ 100 logo gửi đến cuộc thi thiết kế logo toàn quốc do Đại sứ quán Mỹ tổ chức mùa xuân 2019.
“Thành quả của những đóng góp không mệt mỏi đã nuôi dưỡng một tình hữu nghị hiển hiện khắp Việt Nam mà nhìn đâu tôi cũng thấy”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell, người đang có chuyến thăm Việt Nam, phát biểu trước đại diện hai nước và báo chí.
Trước lễ khởi động kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, hai bên đã có một buổi hội đàm. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Thương mại, giáo dục: điểm sáng về hợp tác Việt - Mỹ
“Có thể thấy 25 năm không phải là thời gian dài, trong những gì mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được là hết sức ấn tượng”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu. “Quan hệ hai nước phát triển vượt bậc cả về tầm mức lẫn chiều sâu. Từ chỗ là cựu thù trong chiến tranh, hai nước đã trở thành bạn bè và hơn thế nữa đã trở thành đối tác toàn diện của nhau”.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Khởi đầu của quan hệ Việt - Mỹ là việc hai nước cùng nhau hồi hương hài cốt của quân nhân Mỹ tại Việt Nam từ thập niên 1980, dẫn đến quan hệ tốt đẹp hơn và bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Sau 25 năm, thương mại song phương hai nước tăng từ 450 triệu USD lên tới 60 tỷ USD ngày nay. Số người Mỹ tới thăm Việt Nam mỗi năm tăng từ 60.000 năm 1995 lên 700.000 hiện nay.
“Mỹ tự hào đã và đang đóng góp cho sự phục hồi kinh tế phi thường của Việt Nam”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một video ngày 18/12. “Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7,000%”.
So với chỉ 800 người năm 1995, Việt Nam hiện có khoảng 32.000 du học sinh đang học tập tại các trường đại học ở Mỹ - con số đứng đầu trong Đông Nam Á và đứng thứ 6.
Đại học Fulbright Việt Nam, đại học Mỹ độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam năm 2019 đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho khóa đầu tiên của chương trình Cao học Chính sách công và chào đón 113 sinh viên vào năm học đầu tiên của chương trình đại học.
Một khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến thăm lịch sử năm 2000. Tổng thống Clinton bắt tay người dân từ ban công một ngôi nhà, sau khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: AP |
Cuối buổi lễ, sự chú ý đổ dồn lên phía trên khi bức màn sân khấu được hé ra, và lần đầu tiên logo kỷ niệm 25 năm quan hệ hai nước được công bố. Logo là hình chim bồ câu đang bay, thể hiện tầm cao mới trên hành trình hòa bình, với đôi cánh là hình cờ hai nước Việt - Mỹ.
“Mối quan hệ này dựa trên hòa bình, con chim này tiếp tục lao ra phía trước, bỏ lại phía sau những gì không cần thiết trên hành trình hòa bình. Cánh chim chính là cờ hai nước, màu đỏ trên cánh tượng trưng cho động lực, sức mạnh, lòng nhiệt thành”, họa sĩ Trần Hoài Đức, tác giả của logo, trả lời Zing.vn. Riêng ông có ba thiết kế logo nằm trong top 10 trong cuộc thi.
“Tạo hình của đôi cánh chim gợi liên tưởng đến hình búp sen - một loài hoa cao quý, quốc hoa của Việt Nam”, tác giả cho biết.
Đại diện hai nước chụp ảnh cùng logo kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Xây dựng niềm tin giữa hai quân đội
Quan hệ an ninh hai nước chứng kiến nhiều bước tiến. Dưới thời Tổng thống Trump, tàu USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng năm 2017, trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Tổng thống Obama gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam cách đây ba năm.
“Sự hợp tác này góp phần tạo nên một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với đặc điểm là tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả quốc gia, bất kể quy mô, sự hợp tác và sự tôn trọng các quy tắc, không có sự bá quyền hay chân lý thuộc về kẻ mạnh”, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell phát biểu.
Chiều 17/11/2006, Tổng thống Bush hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Getty Images. |
Việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn được tiếp tục. Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa được phê duyệt và khởi động tháng vào 4, trong chuyến thăm của đoàn 8 thượng nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong 10 năm và có đóng góp kinh phí 183 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được hoàn thành tháng 11/2018 sau 6 năm thực hiện với kinh phí 110 triệu USD, khắc phục 90.000 m3 đất bị nhiễm độc. Kết quả, hơn 30 ha đất sân bay đã an toàn cho việc mở rộng sân bay đang diễn ra.
“Hôm nay, chúng ta đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết hàng loạt thách thức trong khu vực Mekong, ASEAN và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm an ninh khu vực, buôn bán động vật hoang dã và ma túy, và tội phạm xuyên quốc gia”, ông Stilwell phát biểu.