Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu thực tế, có thể cần 20 năm nữa thu nhập bình quân đầu người Việt Nam mới bằng mức thu nhập bình quân của thế giới, đồng thời cảnh báo tình trạng “thương mại hóa quan hệ với nhà nước” với một số những ưu đãi ngầm.
Điều này, theo ông Đoàn, khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của doanh nghiệp (DN). “Điều này cũng làm cho DN tư nhân rất khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động hiệu quả”- ông Đoàn nói.
“Chi phí chính thức cao, phi chính thức càng cao là một trong những nguyên nhân khiến DN Việt Nam không thể lớn được” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng chỉ thẳng ra như thế.
Ông Vũ Tiến Lộc nêu lại câu hỏi của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ: liệu có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam và trả lời "tin chắc làn sóng đó sẽ xảy ra nếu có làn sóng khác", đó là làn sóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Nhắc đến các chỉ số như thời gian thông quan, thời gian nộp thuế của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói thế giới, ông Lộc cho rằng hoàn toàn có thể lấy những mô hình tốt của thế giới để thực hiện, để Việt Nam có thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục như thông quan ngang bằng các nước để giúp DN.
TS. Nguyễn Quốc Toản, Phó Chánh Văn phòng Ban kinh tế trung ương nhắc lại hồi ký của ông Lý Quang Diệu: “Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng”, đồng thời nêu tại Hàn Quốc, Chính phủ dành ưu tiên đặc biệt, đầu tư khoảng 4 tỷ USD để hỗ trợ DN khởi nghiệp, các DN kinh doanh mạo hiểm.
Ông Toản cho rằng, Việt Nam cần quan tâm, đầu tư hơn cho khởi nghiệp, tạo các “quỹ đầu tư thiên thần” hỗ trợ DN khởi nghiệp triển vọng.
“Tuy nhiên, với Việt Nam, quỹ đầu tư mạo hiểm ngoài vốn nhà nước nhất định cần có vốn tư nhân, kể cả vốn nước ngoài” - ông Toản nói.