Sau khi Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đề nghị các doanh nghiệp cứ nói thẳng, nói thật, không sợ bị trù dập thì rất nhiều doanh nhân đã thẳng thắn chia sẻ những bức xúc trong cơ chế, thủ tục hành chính, thuế và hải quan.
Hoang mang với năng lực cạnh tranh
Đa phần doanh nghiệp (DN) khi tiếp xúc với lãnh đạo TP HCM đều tỏ ra lo lắng khi hội nhập ngày một sâu rộng nhưng năng lực cạnh tranh vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.
Trong đó, các rào cản từ thủ tục hành chính, thuế quan cũng là tác nhân làm cho các bước chuẩn bị hội nhập của DN chưa thực sự hoàn thiện.
Bí thư Đinh La Thăng trò chuyện với doanh nghiệp sau khi kết thúc buổi đối thoại sáng 8/3. Ảnh: H.Bình. |
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM bày tỏ: “Đa số DN vừa và nhỏ thiếu tài lực, vật lực, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Cơ chế chính sách, con người và vốn là kiềng 3 chân quan trọng nhất tạo điều kiện để DN phát triển, hội nhập. Như vậy cơ chế chính sách rất quan trọng, phải lâu dài, thông thoáng và an toàn, tạo niềm tin cho DN”.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM chia sẻ: “Ngành dệt may nổi trội về kim ngạch xuất khẩu với 27,1 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về rất ít vì nguyên phụ liệu nhập khẩu đến 80%".
Theo ông, trong bối cảnh hội nhập, TP cần phát triển nguyên phụ liệu thì mới có thể tăng lợi nhuận. Thêm vào đó, khi hàng sản xuất trong nước đang giải bài toán về chi phí thì lại phải chống đỡ với áp lực cạnh tranh của hàng nhập lậu.
Đại diện công ty thép
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty thép Khương Mai bức xúc về thủ tục thuế với bí thư Đinh La Thăng. Ảnh: H. Bình.
|
Đại diện các Hiệp hội Gỗ, Cơ khí đều tỏ ra bức xúc về chính sách thuế và ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng gây khó cho họ trong cạnh tranh. Nhiều DN thẳng thắn đề cập chính sách điều hành thuế đã không tạo ra tính bình đẳng đối với DN nội, cản trợ phát triển.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP hoan nghênh các ý kiến, hứa sẽ giao nhiệm vụ cho các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. "Thành công của DN là thành công của TP. Chúng tôi tiếp tục lắng nghe từng nhóm chuyên ngành để sâu sát với DN nhằm tháo gỡ khó khăn hơn nữa. Thời gian qua DN thiếu tính liên kết với nhau và cần đổi mới vấn đề này. Chỉ có liên kết mới có thể tạo sức mạnh cạnh tranh", ông Phong nói.
Chia sẻ những khó khăn của các DN về tính cạnh tranh, tiếp lời lãnh đạo UBND TP, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị các DN cần tái cơ cấu, nâng chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, đồng thời mở rộng sản xuất. Liên kết, hợp tác với DN trong TP, khu vực và cả nước. Cái gì được đổi mới ngay, thay đổi ngay, có chiến lược phát triển lâu dài.
“Chúng ta phải tích cực đổi mới, tích cực thay đổi. Phải có niềm tin vào sự phát triển, phải tin năng lực lãnh đạo của TP. Đặc biệt phải liên kết với nhau để mạnh lên”, Bí thư Thăng gửi gắm đến DN.
Thủ tục làm khổ doanh nghiệp
Ông Đỗ Phước Tống - Giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí TP, cho rằng hiện tại Nhà nước thu thuế sau đó lại hoàn thuế chậm làm ảnh hưởng đến nguồn vốn của DN. TP phát triển kinh tế được thì phải phát triển cảng với giá cả cạnh tranh.
Hàng TQ về VN có 10 đôla nhưng bốc xếp xuống tàu mất 2 USD là mức giá cao. Đầu tư cảng rất kém, phục vụ kém. Đăng ký lấy hàng mấy ngày không xong. Làm thế nào giảm chi phí cảng thấp nhất, chứ giá cao sao cạnh tranh. Đối với chính sách thuế, DN tôi từng 5 năm không thể hoàn thuế vì những lý do vớ vẩn như tài chính khó khăn… cơ quan ban ngành phải có chính sách hỗ trợ.
Bí thư Thăng mong các doanh nghiệp hãy liên kết để phát triển. Ảnh: H.Bình.
|
Trả lời thắc mắc của DN, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết hiện thuế suất máy móc, linh kiện nhập khẩu phải chịu là 10%. Hiện nay Cục thuế TP đang kiến nghị không thu VAT đối với máy móc nhập khẩu. Bởi lẽ DN đi vay ngân hàng rồi nhà nước trả lexi thì bất cập nên đang kiến nghị không thu VAT mặt hàng này. Đối với việc hoàn thuế VAT sau 1 tháng áp dụng đối với DN có đơn hàng xuất khẩu trên 300 triệu, chỉ khi nào DN không xuất khẩu mới hoàn thuế 12 tháng.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị hàng tháng TP có kết quả xử lý những vướng mắc của DN chứ không phải một năm mới thực hiện một lần. Các đơn vị các cấp cần phải xem DN là những đối tượng phục vụ vô điều kiện.
DN là người nộp thuế nuôi bộ máy hoạt động thì không thể nhũng nhiễu, phiền hà DN được. Ông cho rằng, cần tạo mọi điều kiện xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất cho DN hoạt động không phân biệt thành phần kinh tế. Đồng thời, việc tạo ra tình thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức công chức cũng cần được thực hiện. Đặc biệt, việc xây dựng trung tâm triển lãm xúc tiến thương mại để tạo điều kiện các DN phát triển sớm được xúc tiến.
“Mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu hoặc những người không đạt yêu cầu, làm chậm cũng gây khó khăn DN. Cam kết những vấn đề vướng về luật thì kiên trì cùng tháo gỡ, xây dựng cơ chế đột phá”, Bí thư Đinh La Thăng đúc kết.
Hơn 266.400 doanh nghiệp hoạt động ở TP HCM
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 120.900 tỷ đồng, tăng 11,8 % so với cùng kỳ, chiếm 20,6 % cả nước (cả nước ước đạt 586,97 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ, chiếm 18,6% so với cả nước. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,2 % so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Số hoạt động doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP: 266.471 doanh nghiệp với vốn điều lệ đăng ký hơn 2 triệu tỷ đồng. Công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm tỷ trọng cao nhất (48,05 %) với 128,049 doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng góp vào giá trị sản phẩm GDP ngày càng cao trong GDP TP; từ năm 2011 chiếm 55,1% đến năm 2015 chiếm 59,5% DGP TP.