Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 16/3. Ảnh: Nikkei Asia. |
Các bình luận từ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc hội đàm ngày 16/3 cho thấy hai đồng minh của Mỹ đã xích lại gần nhau sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cũng như mối lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế.
"Cuộc gặp với Thủ tướng Kishida hôm nay có ý nghĩa đặc biệt, giúp người dân hai nước hiểu rằng quan hệ Hàn - Nhật, vốn trải qua thời kỳ khó khăn do nhiều vấn đề, đang có một điểm khởi đầu mới", ông Yoon nói.
"Như đã thấy trong vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên trước khi tôi khởi hành tới Tokyo sáng nay, các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ nước này là mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ với Đông Á mà còn cả sự hòa bình và ổn định quốc tế”, ông nhấn mạnh.
Vài giờ trước khi ông Yoon lên đường đến Nhật Bản, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm xa về phía biển Đông Hải. Các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được cho là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của lãnh đạo Nhật - Hàn tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/3.
Đáp lại Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Kishida cho biết ông rất vui vì hai nước đánh dấu nỗ lực hàn gắn quan hệ vào một ngày xuân ấm áp và “cùng nhau mở ra một chương mới”.
Vượt qua quá khứ
Vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Lee Chang Yang cho biết sau các cuộc đàm phán trong tuần này, Nhật Bản đã đồng ý dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu với Hàn Quốc. Seoul cũng sẽ rút đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Cùng ngày, Tổ chức vận động hành lang lớn nhất Nhật Bản Keidanren và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cũng cam kết thành lập các quỹ xây dựng mối quan hệ song phương "hướng tới tương lai".
Các quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự cuộc họp tại dinh thự chính thức của thủ tướng Nhật ở Tokyo ngày 16/3. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu đã có bất đồng về yêu sách lãnh thổ với một số hòn đảo và những phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.
Sự rạn nứt lên đến đỉnh điểm vào năm 2018, khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân hoặc thân nhân của họ. Ngay sau đó, Nhật Bản đã áp lệnh trừng phạt thương mại với Hàn Quốc, theo AP.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bao gồm các vật liệu quan trọng như polyimide flo hóa sử dụng trong màn hình OLED, và chất cản quang, hydro florua sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.
Tuy nhiên, trong những năm qua, hai nước vẫn hợp tác mạnh mẽ về kinh tế. Theo IMF, hai quốc gia Đông Á này là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nhau vào năm 2021. Dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc đạt tổng 52 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản đạt tổng 30 tỷ USD.
Theo Reuters, động thái mới nhất của Tokyo có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida mong muốn khẳng định một mặt trận thống nhất chống lại những thách thức an ninh đang gia tăng trong khu vực và tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng.
Cả hai dường như muốn bỏ lại phía sau nhiều năm căng thẳng do vấn đề lịch sử.
Trong cuộc hội đàm, ông Yoon khẳng định sẽ "tăng cường" hợp tác an ninh, và hai nhà lãnh đạo đang chuẩn bị tái khởi động đối thoại an ninh song phương vốn bị đình chỉ từ năm 2018, theo đài truyền hình NHK.
Bước đi này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, vì từ lâu mâu thuẫn về các vấn đề lịch sử đã làm suy yếu nỗ lực củng cố liên minh của Washington ở châu Á.
Song nỗ lực hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao nước này cho biết Bắc Kinh phản đối việc một số quốc gia xây dựng các nhóm độc quyền.
Hoài nghi
Đằng sau hậu trường, các quan chức Nhật Bản đã thận trọng trong việc cải thiện quan hệ. Ông Yoon cũng phải đối mặt với sự hoài nghi trong nước.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup Korea được công bố hôm 10/3, 64% số người được hỏi cho rằng Hàn Quốc không cần vội vàng cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nếu nước láng giềng không thay đổi thái độ. 85% tin rằng chính phủ Nhật Bản không hối lỗi về hành động trong quá khứ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee đến sân bay quốc tế Tokyo ngày 16/3. Ảnh: Reuters. |
Hôm 9/3, hai nạn nhân bị cưỡng bức lao động đã đệ đơn kiện, phản đối kế hoạch nhượng bộ của chính phủ Hàn Quốc và yêu cầu công ty Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries 7011.T bồi thường.
Theo kế hoạch này, Seoul sẽ thành lập một quỹ do chính phủ điều hành, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân với các khoản đóng góp tư nhân.
Song thỏa thuận này không thể xoa dịu các nạn nhân ở Hàn Quốc, bà Lauren Richardson, giám đốc Viện Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
“Trong trường hợp này, họ có lẽ sẽ không hài lòng với thỏa thuận, vì rõ ràng nếu là nạn nhân hay con cháu của nạn nhân, họ muốn người gây tội phải chịu trách nhiệm”, bà Richardson nhận định, lưu ý rằng Nhật Bản chưa đưa ra lời xin lỗi hay thừa nhận hành vi sai trái.
“Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc”, bà nói. “Vì vậy, trong mắt họ, Nhật Bản đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm”.
Bà Park Hong Keun, lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ đối lập, cũng cho biết chuyến thăm của ông Yoon không nên chỉ dừng ở "những ký ức đẹp". Theo bà, Tổng thống Yoon cần yêu cầu lời xin lỗi thực sự và giải pháp từ Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức trong chuyến thăm.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.