Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân giải phóng vượt đèo Hải Vân bằng cách nào

Nếu bạn trẻ yêu lịch sử còn băn khoăn: Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng mùa Xuân1975, quân giải phóng vượt đèo Hải Vân như nào, thì sách của Hoàng Đan giải thích cặn kẽ.

Câu chuyện về trận tiến công vượt đèo Hải Vân ngày 29/3/1975 của tướng Hoàng Đan mang tính chân thực lịch sử rất cao, khi chính ông, ở cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, là người trực tiếp ngồi sau tháp pháo xe tăng chỉ huy trận đánh này.

Quan giai phong vuot deo Hai Van anh 1
Sách Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập

Trong cuốn hồi ký Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập, Thiếu tướng mô tả bối cảnh diễn ra trận đánh:

"Ngày 27/3/1975, căn cứ tình hình phát triển hết sức có lợi trên chiến trường Trị - Thiên - Huế và chiến trường Quân khu 5, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy trung ương đã hạ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm toàn bộ Quân đoàn 2, Sư đoàn 2 Quân khu 5 và các lực lượng vũ trang địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian bắt đầu chiến dịch là 3/4".

Khi đó, ông Hoàng Đan là Đại tá đang giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 2. Ngày 28/3, khi đang đi thị sát trên chùa Thiên Mụ, ông được thư khẩn của Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An cho biết theo lệnh mới của Bộ, Quân đoàn không phải chờ đến ngày 3/4 mới mở chiến dịch mà phải chớp thời cơ địch đang hoang mang rối loạn tiến công ngay.

"Do thời gian rất gấp đồng chí An báo cho tôi không phải về sở chỉ huy nữa mà đi thẳng xuống Sư đoàn 325 để chỉ đạo đơn vị tiến công theo đường số 1", ông viết.

Do lực lượng của Sư đoàn 325 còn dừng chân rải rác ở nhiều điểm khác nhau, nên ban chỉ huy quyết định cho Trung đoàn 18 ở Bắc đèo Hải Vân tiến công trước. Ông Hoàng Đàn cùng Sư đoàn phó Sư đoàn 325 Nguyễn Đức Huy trực tiếp chỉ đảo Trung đoàn 18. Để tạo thêm sức mạnh cho Trung đoàn 18 trong hành tiến, cấp trên tăng cường thêm 2 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo 130mm.

Lúc đó, theo trinh sát báo về thì trên đèo Hải Vân có một lữ đoàn lính thủy đánh bộ quân đội Sài Gòn đang phòng giữ.

Tuy nhiên, khi đoàn quân tiến đến Phù Lưu thì cầu đã bị máy bay đối phương đánh hỏng, khiến các phương tiện cơ giới không thể vượt qua được. Lúc này, Đại tá Đan đành cùng đại đội xe tăng lội nước vượt sông tiến vào phía trong, để lại đại đội xe tăng T54 và 2 đại đội pháo kéo xe chờ thông cầu vượt sau.

Diễn biến trận đánh vượt đèo được vị tướng mô tả rất chi tiết: "Năm giờ sáng ngày 29/3 tôi gặp đồng chí Huy ở chân đèo Hải Vân rồi cùng nhau bàn cách bố trí đội hình hành tiến chiến đấu. Do thời gian đòi hỏi gấp, với lực lượng hỏa lực hiện có, chúng tôi bố trí 7 xe tăng lội nước chở thêm bộ binh đi đầu vừa trinh sát vừa chiến đấu. Chiếc xe còn lại chở tôi và ban chỉ huy Trung đoàn 18".

"Sư đoàn phó Huy chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh bám theo sau. 7h30 chúng tôi tiến gần tới đỉnh đèo Hải Vân thì bắt đầu gặp địch. Chúng dùng súng máy 12,7mm và đại liên bắn chặn quân ta. Như phương án vạch sẵn, xe tăng ta triển khai đội hình chiến đấu. Bộ binh xuống bám theo dãy đồi bên phải trục đường tiến lên phía trước bắn hỗ trợ. Đồng thời tôi điện cho pháo binh trung đoàn 84 bắn phá vào khu vực phòng ngự của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ ở các mỏm trên đỉnh đèo".

Trước những loạt đạn bắn phá chính xác của hỏa lực pháo và xe tăng ta, bọn địch rối loạn hò nhau rút chạy. "Lợi dụng tình thế thuận lợi, chúng tôi cho bộ đội vượt lên đỉnh đèo truy kích địch", ông viết tiếp. Đến lúc này, Sư đoàn phó Nguyễn Đức Huy đã dẫn hai đại đội bộ binh cùng 4 xe tăng thu được của đối phương tại căn cứ Lăng Cô, do 4 hàng binh lái đã đuổi kịp đội hình.

Nhờ đó, lực lượng đột phá đã tăng quân số lên thành một tiểu đoàn bộ binh và 12 xe tăng. Ông Đan đã điện về phía sau thúc giục các trung đoàn của Sư đoàn 325 phát triển lên thật nhanh, mặt khác hạ quyết tâm tiếp tục tiến vào thành phố. Lúc đó, đối phương không còn chốt chặn cản đường, chỉ còn một vài toán chốt lẻ tẻ.

Quan giai phong vuot deo Hai Van anh 2
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ảnh: Xuân Quang.

Đến 10h30, đoàn quân đến cầu Nam Ô, chân đèo Hải Vân ở phía Bắc Đà Nẵng. Đứng trước biển báo cầu chỉ chịu được tải trọng 8 tấn, đại đội trưởng xe tăng tần ngần đề nghị cho công binh mở bến vượt, tuy nhiên Đại tá Đan quyết định cho đại đội xe tăng vượt qua cầu từng chiếc một.

Ông hồi tưởng: "Khi xe và bộ binh ta vượt qua cầu Nam Ô tiến thẳng vào ngã ba đường 1, nhân dân hai bên đường ùa ra đón chào bộ đội rất đông. Mọi người vứt lên xe đủ thứ, nào thuốc lá, kẹo bánh, nước giải khát và rất nhiều hoa quả. Đội hình phát triển trên đoạn đường Bắc thành phố khá thuận lợi. Đúng 11h30, chúng tôi gặp Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 vừa mới đến. Qua báo cáo của cán bộ Trung đoàn 66, tôi biết thêm Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn".

Tướng Đan tiếp tục chỉ huy bộ đội tiến ra chiếm bán đảo Sơn Trà. Khoảng 19h ngày 29/3/1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh những ký ức về trận tiến công giải phóng Đà Nẵng, cuốn hồi ức chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Đan Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập còn nhắc lại những kỷ niệm về các trận đánh hào hùng mà ông cùng đồng đội trải qua trong mùa Xuân 1975 như Thượng Đức, Huế, Phan Rang, Nước Trong, Thành Tuy Hạ và cuối cùng là tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn để kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuốn sách là nguồn tư liệu lịch sử sống động, đồng thời mang giá trị lý luận quân sự quý báu được đúc kết từ thực tiễn. Tác giả sách, Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003), quê ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là một trong những vị tướng tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông là một cán bộ chỉ huy đã trải qua rất nhiều chiến trường, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Thiếu tướng Hoàng Đan cũng đã trải qua các cương vị chỉ huy trong quân đội, từ cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, Phó Tư lệnh quân đoàn. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, ông là tư lệnh Quân đoàn 5.

Ông cũng là một nhà giáo quân sự và làm công tác quản lý khoa học, khi lần lược được cử làm giáo viên, Phó khoa, Trưởng khoa, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Sau đó, ông còn là Cục Phó, rồi Cục trưởng Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng.

Ngày 9/10/2014, cố Thiếu tướng Hoàng Đan đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuốn sách Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập của ông được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2010 với bản song ngữ tiếng Việt và Anh. Ngoài tác phẩm này, Thiếu tướng Hoàng Đan còn viết cuốn Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh, được NXB QĐND in năm 2005, cũng được đánh giá cao về giá trị lịch sử và lý luận quân sự.



Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm