Đây là nội dung quan trọng được thể hiện trong nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 18 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2021.
Đối tượng áp dụng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết nêu rõ: Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc bao gồm cá nhân, đơn vị và trang bị, vũ khí, phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Quốc hội. |
Nghị quyết quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Trước đó, ngày 24/10, trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết này, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của lực lượng Việt Nam. Hiện nay, Liên Hợp Quốc tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát quan sát viên và giám sát bầu cử.
Bên cạnh đó, thực hiện đề án Công an Nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai.