Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội không đồng ý cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính

Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được đưa vào luật vì có hơn 80% đại biểu không tán thành.

Chiều 13/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với 446/453 (92,53%) đại biểu bấm nút tán thành. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

Trước khi thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã xin ý kiến biểu quyết của đại biểu về phương án cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Kết quả biểu quyết có 390/452 (80,91%) đại biểu tán thành phương án không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước vào luật này.

cat dien nuoc de cuong che xu ly vi pham hanh chinh anh 1

Hơn 80% đại biểu không đồng ý bổ sung giải pháp cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề cập đến nội dung cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông cho biết một số ý kiến tán thành phương án không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” khi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến khác ủng hộ việc bổ sung biện pháp này.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Kết quả có 207/399 đại biểu tham gia cho ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này; 190 người có ý kiến ngược lại. Do số lượng đại biểu ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời chưa vượt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”.

“Qua tổng kết thi hành luật cho thấy về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo báo cáo bổ sung của Bộ Tư pháp, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định cưỡng chế là rất ít, chiếm chưa đến 0,1% tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính (cụ thể, năm 2017 chiếm khoảng 0,05%; năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 chiếm khoảng 0,08%).

Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị phân định rõ hơn việc xử phạt về từng lần vi phạm trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng vi phạm hành chính nhiều lần bị áp dụng tình tiết tăng nặng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vi phạm hành chính rất đa dạng, do đó việc quy định “cứng” vi phạm hành chính nhiều lần trong mọi trường hợp bị xử phạt về từng lần vi phạm hoặc chỉ bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” là không phù hợp.

Do đó, luật lần này được chỉnh lý theo hướng trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần” sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; chỉ xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi có quy định cụ thể của Chính phủ.

'Nếu luật cho phép, Bộ Công an không ngại quản lý trại cai nghiện'

Theo Bộ trưởng Công an, nếu luật cho phép, Bộ Công an rất sẵn sàng quản lý các cơ sở cai nghiện vì đây cũng là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm