Theo RT, ngày 30/4, quyền Tổng thống Aleksandr Turchinov thừa nhận chính phủ Kiev không còn kiểm soát được tình hình ở miền đông và ra lệnh quân đội trực chiến toàn diện trước “nguy cơ xâm lược từ phía Nga".
Lãnh đạo Ukraina cũng cáo buộc một số quan chức ở tỉnh Luhansk “đang hợp tác với các tổ chức khủng bố” và ra lệnh sa thải những cảnh sát “phản bội”. Đồng thời, Turchinov kêu gọi những lực lượng dân quân trung thành với Kiev hỗ trợ các khu vực khác “chống lại mối đe dọa khủng bố”.
Tuy nhiên, ông thừa nhận “ việc sử dụng vũ lực không mang lại hiệu quả”.
Lời cảnh báo mới nhất của giới chức Ukraina cho thấy thất bại của Kiev trong việc chống lại làn sóng biểu tình ở miền đông đất nước. Nguyên nhân là quân đội không trung thành với chính phủ, các binh sĩ bỏ trốn trên đường tới khu vực xảy ra bạo loạn.
Nhóm biểu tình thân Nga tấn công tòa nhà chính phủ tỉnh Luhansk. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Ukraina gần như mất kiểm soát đối với tỉnh Donetsk. Ngày 29/4, hàng trăm người biểu tình thân Nga đã xông vào tòa nhà chính phủ ở tỉnh Luhansk và xả súng vào cảnh sát bất chấp đe dọa trừng phạt của phương Tây. Nhóm nổi dậy cũng chiếm phòng công tố và đài truyền hình.
Theo ông Stanislav Rechynsky, trợ lý Bộ trưởng Nội vụ, “cảnh sát địa phương không có hành động gì” trong khi “các nhà lãnh đạo không thể kiểm soát lực lượng cảnh sát”.
Việc chiếm được tỉnh Luhansk giúp nhóm biểu tình thân Nga có thể kiểm soát toàn bộ mỏ than Donbass, nơi chiếm 1/3 sản lượng công nghiệp nặng của Ukraina.
Sau khi vụ việc xảy ra, Mỹ và Liên minh châu Âu cáo buộc Nga đã chỉ đạo cuộc tấn công nhằm chia cắt Ukraina và tuyên bố sẽ đứng về phía Kiev nhưng khẳng định sẽ không sử dụng đến quân đội.
Với tình hình hiện tại, lệnh trừng phạt do Mỹ và châu Âu đưa ra vẫn không thể kiềm chế được hành động của chủ nhân Điện Kremlin. Tổng thống Putin tuyên bố sẽ đáp trả nếu phương Tây tiếp tục gây sức ép lên kinh tế Nga.
Vyacheslav Ponomaryov, một lãnh đạo phía quân nổi dậy, cũng tuyên bố sẽ gây bất lợi đối với các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị bắt cóc, yêu cầu phương Tây thu hồi lệnh trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết các lệnh trừng phạt của EU sẽ không giảm bớt căng thẳng ở Ukraina.
“Thay vì buộc Kiev ngồi lại đàm phán với nhóm biểu tình ở các tỉnh miền đông về tương lai đất nước, phương Tây lại có những chính sách thiếu thân thiện chĩa về phía chúng tôi’, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Trong một diễn biến liên quan, nhật báo Kommersant và Gazeta.ru của Nga ngày 30/4 đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin sẽ lần đầu tiên thăm bán đảo Crimea kể từ khi vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga.
Ông Putin có thể sẽ cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev tham dự lễ diễu binh vào ngày 9/5 nhằm kỷ niệm chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 ở Sevastopol.