Lo ngại “mất mặt” nếu các quốc gia khác phát triển thành công vaccine trước Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã được lệnh tham gia vào cuộc đua phát triển và thử nghiệm vaccine, South China Morning Post cho biết.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 17/3 đưa tin một nhóm nghiên cứu do thiếu tướng Chen Wei, nhà dịch tễ, virus học hàng đầu của Viện Hàn lâm khoa học quân y (AMMS), đã được giao nhiệm vụ để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.
Trung Quốc không muốn thua Mỹ trong cuộc đua phát triển vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
CCTV mô tả vaccine được nhóm của Chen phát triển cùng với CanSino Biologics, có trụ sở tại Thiên Tân là ứng viên hàng đầu trong số 9 phương pháp điều trị có thể đang được các nhà khoa học Trung Quốc phát triển.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển loại vaccine để phòng ngừa Covid-19. Một chuyên gia cho biết, giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy “mất mặt” nếu bị Mỹ đánh bại trong cuộc đua tạo vaccine
Việc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 ở Trung Quốc bắt đầu được thực hiện sau khi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ và công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Massachusetts đã tuyển dụng 45 tình nguyện viện từ 18-55 tuổi để thử nghiệm vaccine được điều chế dựa trên sao chép mã di truyền của virus corona.
“Thông báo về thử nghiệm vaccine ở Trung Quốc đến sớm hơn một chút so với dự kiến của tôi, mặc dù tôi tin rằng liều vaccine tái tổ hợp đầu tiên đã được tiêm vào cơ thể của Chen và đồng nghiệp của bà ấy”, Tao Lina, chuyên gia về vaccine tại Thượng Hải, nói.
Chuyên gia Tao đề cập đến bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội WeChat cho thấy Chen đã được tiêm một cái gì đó, có thể là vaccine.
Tuy vậy, hai nguồn tin quân sự cho biết Quân ủy trung ương (CMC) đã gây áp lực với các nhà khoa học quân sự trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine. CMC đã liên tục gọi điện cho AMMS mỗi ngày để thúc giục phát triển vaccine trong vài tuần qua, nguồn tin giấu tên cho biết.
Thiếu tướng Chen, 54 tuổi, chuyên gia phát triển vaccine tái tổ hợp bằng cách sử dụng một loại virus hoặc vi khuẩn vô hại để đưa vật liệu di truyền của mầm bệnh vào cơ thể, để từ đó tạo ra kháng thể chống lại mầm bệnh. Giải pháp của bà đã giúp phát triển các phương pháp điều trị trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola giai đoạn 2014-2016.
Bà cũng đã phát triển một loại thuốc xịt mũi để bảo vệ các nhân viên y tế trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003. Hôm 17/3, CanSino Biologic bắt đầu tìm kiếm các tình nguyện viên để tham gia thử nghiệm lâm sàng kéo dài 6 tháng.
Trong lúc việc lây nhiễm cộng đồng đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nước Mỹ lại đang bước vào cao trào của đợt dịch khi số ca nhiễm gia tăng lên liên tục. Số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 8.500 trong khi 145 người tử vong.
Cùng lúc đó, Mỹ và Trung Quốc cũng lao vào cuộc chiến về việc sử dụng chữ "virus Trung Quốc" để chỉ loại virus đang gây ra đại dịch này, cũng như nguồn gốc của nó.
Tổng thống Donald Trump và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa kiên quyết gọi loại virus này (tên khoa học chính thức là SARS-CoV-2) là "virus Trung Quốc" hoặc "virus Vũ Hán", dù giới khoa học khuyến cáo cách gọi tên theo địa danh này có thể tạo ra định kiến hoặc kỳ thị với một địa phương, nhóm người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 17/3 nhấn mạnh nước này "vô cùng phẫn nộ" trước cách gọi này, và đó là "một kiểu kỳ thị".
"Đó không phải là phân biệt chủng tộc, không hề như vậy. Dịch đó xuất phát từ Trung Quốc", ông Trump nói.
Trong một cuộc tranh cãi khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus corona đến Vũ Hán, sau khi quan chức Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh gây ra dịch bệnh.
Washington sau đó đã triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để phản đối phát ngôn này.