Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân đội Thái Lan đảo chính, áp đặt lệnh giới nghiêm

Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tuyên bố nắm quyền kiểm soát chính phủ sau hai ngày thiết quân luật. Quân đội Thái đã ra lệnh giới nghiêm và đình chỉ hiến pháp.

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, quân đội cần lập lại trật tự và thúc đẩy cải cách ở Thái Lan.

Tướng Chan-ocha nhấn mạnh: "Để đất nước nhanh chóng trở lại ổn định, Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia gồm quân đội, các lực lượng vũ trang Thái Lan cần nắm quyền lực bắt đầu từ 16h30 ngày 22/5". 

Người phát ngôn của quân đội Thái Lan làm rõ, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt trên toàn quốc từ 20h đến 5h. Quân đội Thái cũng yêu cầu tất cả các đài phát thanh và đài truyền hình, trong đó có truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh, phải ngừng các chương trình phát sóng thường lệ và chỉ được phát sóng chương trình của quân đội cho tới khi có chỉ thị thêm.

Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan Winthai Suvaree cho hay Tư lệnh Lục quân nước này Prayuth Chan-ocha sẽ lãnh đạo chính quyền quân sự phụ trách điều hành quốc gia Đông Nam Á này. Ông Winthai khẳng định hiến pháp đã bị đình chỉ, song thượng viện và toàn bộ các tòa án sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.

Quân đội Thái Lan đã yêu cầu quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan cùng các bộ trưởng nước này tới trình diện tại một doanh trại quân đội ở phía bắc thủ đô Bangkok.

Giới chức quân đội Thái cũng cấm tụ tập nhóm. “Không ai được phép tụ tập nhóm từ 5 người trở lên ở bất kỳ nơi nào… Bất cứ ai vi phạm quy định này có thể bị án tù không dưới một năm”, Winthai khẳng định.

Reuters cho hay quân đội Thái Lan đã áp giải lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban ra khỏi cuộc đàm phán giữa các bên. Hiện chưa rõ vì sao ông Suthep được áp giải ra khỏi cuộc họp. Trong khi đó, hàng trăm binh sĩ ập vào đại bản doanh của lực lượng biểu tình chống chính phủ.

"Chúng tôi sẽ triển khai binh lính và phương tiện để đưa người biểu tình ra khỏi tất cả các khu vực tập trung", Teerachai Nakwanit, chỉ huy quân đội khu vực 1, cho hay.

Phản ứng trước tuyên bố này, lãnh đạo phe Áo đỏ khẳng định họ sẽ tiếp tục các hoạt động biểu tình, bất chấp đảo chính. "Các ngài sẽ chiến đấu hay không chiến đấu. Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Chúng tôi đã dự liệu điều này. Điều gì đến sẽ đến", thủ lĩnh phe Áo đỏ Jatuporn Prompan cho hay.

Tướng Thái Lan thông báo về cuộc đảo chính trên truyền hình. Ảnh: Reuters.

Quân đội Thái Lan thực hiện cuộc đảo chính sau cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng qua ở Thái Lan. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể tìm được nói chung. 

Phe Áo đỏ ủng hộ chính phủ đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về thời điểm tổ chức bầu cử. Lãnh đạo phong trào Áo đỏ Jatuporn Phromphan khẳng định phe này sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý.

Lãnh đạo lực lượng biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban vẫn giữ nguyên quan điểm thành lập một chính phủ trung lập, cải tổ chính trị rồi mới bầu cử.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, ông Abhisit Vejjajiva, lại nêu ra một số đề xuất, trong đó có việc chấm dứt mọi hình thức bạo lực, đề ra lịch trình cải tổ chính trị trước và sau bầu cử, thiết lập hệ thống đảm bảo bầu cử trong sạch và công bằng.

 

Trước đó, ngày 20/5, quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật trên truyền hình. Nội dung tuyên bố nhấn mạnh: “Người dân không nên hoang mang và có thể sinh hoạt như bình thường”. Thiết quân luật là việc áp đặt sức mạnh quân sự tại những vùng được chỉ định dựa trên tình huống khẩn cấp.

Quân đội đảm bảo an ninh bên ngoài khu vực diễn ra cuộc họp của Tướng Prayuth Chan-ocha và đại diện các đảng phái chính trị của Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Thiết quân luật được đưa ra sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kéo dài trong suốt thời gian qua và cuộc đối đầu chưa đi đến hồi kết giữa chính phủ và phe đối lập.  

Biểu tình chống chính phủ đã diễn ra nhiều tháng tại Thái Lan khiến 28 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Tình hình chính trị tại quốc gia Đông Nam Á căng thẳng hơn khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất hồi đầu tháng 5.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm