Trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và các nước phương Tây, một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhất là sức mạnh quân sự của Nga cũng như sách lược của Mỹ và NATO.
|
Binh sĩ Nga diễu binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images |
Quân đội của Nga rơi vào tình trạng bị lãng quên sau khi Liên Xô tan rã và vị thế của một siêu cường quốc về quân sự cũng vì thế mà suy giảm khá nhiều. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Nga đang trong giai đoạn chuyển đổi lịch sử và vẫn có những ảnh hưởng sâu sắc đối với chính trị và an ninh của các nước Âu – Á.
Các quan chức Nga cho biết cuộc cải cách này rất cần thiết để đưa một nền quân sự của thời Chiến tranh Lạnh trở thành một đội quân của thế kỷ 21, nhưng nhiều nhà phân tích phương Tây lo sợ rằng Nga sẽ theo đuổi những chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn, với chiến lược dựa vào quân sự để đe dọa các nước nhỏ lân cận.
Nhiều người nói việc Nga can thiệp quân sự vào Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014 (đều là những nước thuộc Liên Xô cũ muốn đi tìm quan hệ ngoại giao chặt chẽ với phương Tây) cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng để sử dụng quân đội để tái lập vị thế của Nga trong khu vực.
Năng lực quân sự thông thường của Nga đến đâu?
Về mặt quân số cũng như vũ khí, lực lượng của Nga lớn hơn rất nhiều so với các nước Đông Âu và Trung Á (xem bảng dưới) - bao gồm nhiều nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô cũ có quan hệ bền vững với Moscow.
|
Quân số khổng lồ của Nga so với các nước khác trong khu vực Âu - Á với 845.000 lính chính quy, 22.500 xe tăng và 1.399 máy bay chiến đấu. Ảnh: Infonet |
Nga có hiệp định quân sự với các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan qua Tổ chức Hợp đồng An ninh chung được thành lập năm 1992. Moscow cũng đóng một số lượng quân đáng kể trong khu vực: ở Armenia có 3.200 quân, nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia ly khai Georgia có 7.000 quân, khu vực Transnistria tách khỏi Moldova có 1.500 quân, tại Kyrgyzstan 500 quân và Tajikistan 5.000 quân.
Là một phần của công cuộc cải cách quốc phòng, phần lớn lực lượng trên bộ của Nga sẽ phải được chuyên nghiệp hóa và tái tổ chức vào những đội gồm vài ngàn lính dành cho những cuộc xung đột nhỏ và vừa. Nhưng hiện tại, thành phần chủ yếu của quân đội là những công dân Nga đi lính nghĩa vụ trong 1 năm và ít được đào tạo kỹ càng (nghĩa vụ quân sự ở Nga là bắt buộc đối với đàn ông tuổi từ 18 đến 27).
Lực lượng Lính dù Đặc biệt gồm 35.000 quân, chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Putin là lực lượng tinh nhuệ phản ứng nhanh của Nga. Một Lực lượng Đặc nhiệm khác, cũng trực thuộc quyền điều động của ông Putin, được thành lập năm 2013 nhằm tiến hành những nhiệm vụ bên ngoài biên giới Nga.
Moscow cũng có ý định tái vũ trang tại vùng lãnh thổ Nga ở Bắc Cực, khôi phục lại những đường băng và cảng có từ thời Liên Xô để bảo vệ nguồn tài nguyên khí đốt và đường biển quan trọng. (Nga có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, luôn được điều động để di chuyển tại vùng biển Bắc Cực.) Vào cuối năm 2013, Putin đã hạ lệnh thành lập một hệ thống chỉ huy chiến lược ở vùng Bắc Cực Nga.
Trong khi đó, quá trình thay đổi vũ khí đang rất chậm, phần lớn những khí tài quân sự hiện có đã có từ vài thập kỷ. Theo các chuyên gia, lực lượng Hải quân hùng mạnh của Liên Xô trước đây giờ chỉ đơn thuần là một lực lượng tuần duyên. Tất cả những tàu lớn của Hải quân Nga, bao gồm kỳ hạm và tàu sân bay duy nhất là Kuznetsov, là hàng tồn từ thời Chiến tranh Lạnh. (Để so sánh, Mỹ có 10 tàu sân bay hạt nhân và đóng vài tàu chiến mỗi năm.)
Lực lượng không quân của Nga cũng bị giới hạn, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Hãng máy bay Sukhoi đang phát triển vài mẫu phi cơ chiến đấu, bao gồm phi cơ tàng hình thế hệ thứ năm (chiếc T-50) nhưng việc sản xuất đang ì ạch ở một số nơi, và phần lớn máy bay chiến đấu đang sử dụng đều có từ những năm 1980.
Nga đặt quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng không là ưu tiên hàng đầu của chương trình nâng cấp vũ khí, và đã thành lập một Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Hàng không vào năm 2011. Vũ khí chính của hệ thống này là tên lửa S-400, một loại tên lửa đất đối không tầm trung đến xa, được đặt gần Moscow và những vị trí chiến lược trong lãnh thổ của Nga. Tên lửa S-500 tối tân hơn hiện đang được phát triển.
|
Quân đội Nga "khoe" xe tăng trong cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images |
Năng lực tấn công hạt nhân của Nga đến đâu?
Các chuyên gia cho biết, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga vẫn có thể so sánh với Mỹ và là đặc điểm nổi bật còn lại của sức mạnh quân sự đất nước. Moscow có khoảng 1.500 đầu đạn chiến lược được lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng. Những con số này tuân theo hiệp ước New START của Nga với Mỹ, có hiệu lực từ tháng 2/2011. Nga cũng được cho là có hơn 2.000 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược loại nhỏ.
Nga chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tấn công hạt nhân trong những năm sau khi Liên Xô tan rã. Việc NATO đánh bom Nam Tư vào năm 1999 khiến cho điện Kremlin lo sợ rằng một liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ cản trở khả năng hoạt động của Nga trong khu vực. Vào năm 2000, Moscow đã hạ ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả trong trường hợp một cuộc tấn công quân sự thông thường lớn diễn ra. Điều này khác với thời Liên Xô, khi đất nước giữ vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân từ nước ngoài.
Phần lớn hệ thống vũ khí hạt nhân của Nga đang được hiện đại hóa đáng kể: một lớp tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mới sẽ được đưa vào sử dụng, một số máy bay ném bom chiến lược đang được nâng cấp và Nga đang có kế hoạch thay thế toàn bộ tên lửa ICBM có từ thời Liên Xô trong vòng một thập kỷ tới.
|
Liên minh an ninh của Nga hiện tại. Ảnh: Infonet |
Ngân sách quân sự của Nga là bao nhiêu?
Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng lên hơn gấp đôi so với thập kỷ trước và đạt gần
90 tỉ USD vào năm 2013 (xem hình dưới), đứng chỉ sau Trung Quốc (
188 tỉ USD) và Mỹ (
640 tỉ USD), theo số liệu của Viện Nghiện cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI). Dữ liệu bao gồm ngân sách cho lực lượng vũ trang, lực lượng bán quân sự, hoạt động không quân, hỗ trợ quân sự ngoài nước và nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sư.
Theo Cục quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, chi tiêu quốc phòng của Nga tăng lên là nhờ sự tăng giá nhiên liệu trong vòng một thập kỷ qua, bởi dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn một nửa doanh thu quốc gia của Nga. Năm 2014, chương trình hiện đại hóa vũ khí có ngân sách 700 tỉ USD trong suốt 10 năm của Nga đã đi đến nửa đường, với ưu tiên gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, phi cơ chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm, hệ thống phòng không, hệ thống liên lạc và tình báo.
|
Chi tiêu quân sự của Nga so với Mỹ và Trung Quốc. |
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng việc chi tiêu quân sự Nga cần phải xem xét sâu rộng hơn. Trước tiên, kinh phí quốc phòng của Nga đã giảm mạnh trong những năm 1990 và hiện vẫn thấp hơn thời Liên Xô. Tiếp theo, Nga vẫn chỉ tiệu một phần nhỏ so với khoản tiền Mỹ và đồng minh chi cho mỗi binh lính. Thứ nữa, tỉ lệ lạm phát cao trong nền công nghiệp quốc phòng và tham những tràn lan vẫn ảnh hưởng khá lớn. Và cuối cùng, chi tiêu quốc phòng của Nga có liên quan chặt chẽ đối với giá nhiên liệu trên thế giới, vốn luôn biến động liên tục. Nhiều nhà phân tích đã nói giá dầu sụt giảm vào giữa năm 1980 là nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã.
Đâu là nguyên nhân của cuộc cải cách?
Cuộc chiến tranh 5 ngày với Georgia vào tháng 8/2008 đã bộc lộ những yếu điểm lớn trong hệ thống chỉ huy, phần cứng, vũ khí cũng như tình báo, và khẳng định rằng quân đội đông đảo của Nga, dù có thể huy động hàng triệu người đi lính để bảo vệ tổ quốc, vẫn còn lạc hậu rất nhiều.
Chuyên gia Roger N.McDermott, một chuyên gia quân sự vùng Âu – Á thuộc Quỹ Jamestown đã viết rằng: “Chiến tranh với Georgia có thể nói là cuộc chiến cuối cùng của lực lượng vũ trang Nga của thế kỷ 20, bởi vì họ đã sử dụng cách bố trí, sách lược và khí tài của thế kỷ trước”.
Vài tuần sau khi cuộc xung đột diễn ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoliy Serdyukov, một nhà cải cách có quyền lực của Putin, đã tiến hành cải tổ bộ máy quân sự lâu dài gồm việc cắt giảm nhân sự (từ 1,2 triệu xuống còn 1 triệu), tái vũ trang và tái tổ chức quân đội thành một lực lượng chuyên nghiệp có thể phản ứng nhanh đối với những khủng hoảng lớn trong khu vực.
Các chuyên gia theo dõi công cuộc cải cách vào cuối năm 2013 nói rằng quá trình đang thiếu hướng đi chiến lược và đã có những sai sót lớn trong khâu lên kế hoạch, từ đó dự báo một số những thách thức liên quan đến con người, ngân sách và hệ thống cung ứng vào những năm tới.
Tuy nhiên, họ đều kết luận rằng công cuộc cải cách đã có những bước tiến lớn. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự viết rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, hệ thống quân sự Nga sau cải cách sẽ khác hẳn lực lượng họ có vào thời điểm hành động ở Georgia năm 2008, và là một hệ thống hiệu quả, mềm dẻo, biết thích ứng và thay đổi để đạt được những mục tiêu đối ngoại của Nga”.
Đâu là mối đe dọa với Nga?
Các nhà lãnh đạo Nga thừa nhận rằng hiện nay không có mối nguy hại nào về một cuộc xâm lược trên bộ quy mô lớn của NATO, trước đây là mối lo hàng đầu trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Nga cũng liên tục chỉ trích sự mở rộng về phía đông của NATO, bao gồm kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa đạn đạo dọc Châu Âu.
|
Sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối lo ngại lớn đối với Nga. |
Mỹ, nước phát triển công nghệ này, nói rằng hệ thống chỉ được thiết kế để chống lại những đợt tấn công bằng tên lửa từ những nước như Iran, nhưng Moscow tin công nghệ này có thể được nâng câp và ảnh hưởng cán cân vũ khí hạt nhân chiến lược. Tổng thống Nga Putin và các quan chức quân sự đã liên tục bày tỏ quan ngại về các loại vũ khí chính xác đang được triển khai bởi phương Tây.
Moscow tin rằng những cuộc “cách mạng màu”, những cuộc nổi dậy ở những nước thuộc Liên Xô cũ, là những sự kiện được dàn dựng bởi Mỹ và đồng minh để hao mòn ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Ông Dmitry Gorenburg, một chuyên gia nghiên cứu quân sự Nga ở viện CNA ở Virginia đã viết : “Chính sách đối ngoại của Nga có vẻ dựa trên nỗi lo về các cuộc biểu tình trong khu vực và việc chống lại sự thống trị của Mỹ trên trường quốc tế, cả hai đều là mối đe dọa đối với chính quyền Putin”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Nga và phương Tây nói rằng mối lo của Nga về NATO thường bị phóng đại và đánh lạc hướng khỏi những vấn đề thực tế hơn, ví dụ như những sự kiện ở phía Nam nước Nga : cuộc nổi dậy ở vùng Bắc Caucasus, sự gia tăng vũ trang và một cuộc nổi dậy tiềm tàng của quân Taliban tại Afghanistan.
Mục tiêu chiến lược của Nga trong khu vực là gì ?
Việc hiện đại hóa quân đội sẽ cho phép đất nước rộng nhất thế giới (và cũng là một trong những nước thưa dân nhất) có thể bảo vệ vùng lãnh thổ rộng lớn và lợi ích của quốc gia. Tuy nhiên cuộc xung đột ở Ukraine và Georgia đã dấy lên những lo ngại về một cuộc gây hấn của Nga, cụ thể là việc Putin sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự một cách đơn phương để bảo vệ tầm ảnh hưởng vốn có của Nga trong khu vực.
Chẳng bao lâu sau khi sát nhập Crimea vào tháng 3/2014, Putin nói rằng ông sẽ bảo vệ quyền lợi của những người Nga ngoài nước, và vào tháng 4 ông đã nhắc đến lãnh thổ của Ukraine là Novorossiya (Tân Nga), một thuật ngữ được sử dụng vào thời đế quốc Nga thế kỷ 19.
Theo các quan chức NATO và Ukraine, Moscow đã hỗ trợ cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine huấn luyện quân sự, chuyên gia và các loại vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng và các loại tên lửa phòng không.
Vào tháng 11, Nga đã công nhận cuộc bầu cử của quân ly khai ở khu vực Donetsk và Luhansk, một hành động khiến cộng đồng nhớ lại việc Nga đã làm vậy với chính phủ của quân ly khai ở Abkhazia và Nam Ossetia sau xung đột với Georgia năm 2008.
Tuy nhiên, những hành động của Nga đã khiến nước này phải trả giá. Nhóm G8 (giờ là G7) đã loại Nga ra khỏi nhóm vào tháng 3 năm nay, và các quan chức Nga cấp cao, ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đang phải đối mặt với lệnh cấm vận có thể khiến nền kinh tế đất nước rơi vào suy thoái.
Quân đội Nga cũng sẽ vì thế mà phải hứng chịu tổn thất. Pháp đã phải hoãn việc giao tàu chiến lớp Mistral, còn quan hệ hợp tác về ngành công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Ukraine đang bị đe dọa.
Chiến lược của Mỹ và NATO là gì ?
Các lãnh đạo của Mỹ và NATO đang xem xét lại hệ thống phòng thủ ở châu Âu, cụ thể ở Đông Âu. Kể từ sau sự sát nhập vùng Crimea, NATO đã tăng số lượng máy bay tuần tra vùng Baltic lên gấp 4 lần (lên thành 16 máy bay), và đã phát hiện hoạt động của máy bay Nga.
NATO cũng đã công bố kế hoạch thành lập một đội quân phản ứng nhanh có tên Lực lượng Đặc nhiêm Liên minh Sẵn sàng Cao (VJTF) gồm khoảng 5.000 quân. Các quân chức nói đội VJTF sẽ có thể hoạt động vào đầu năm 2016 và sẽ là một phần của đội quân tinh nhuệ của Lực lượng Phản ứng của NATO gồm 13.000 quân.
Một số nhà phân tích khuyên Mỹ và NATO sử dụng chiến lược kìm hãm gần như tương tự như thời Chiến tranh Lạnh. Nhà báo Anh và chuyên gia Nga Edward Lucas viết rằng : ‘’Hãy bỏ qua những chính sách hòa hoãn sang một bên. Hãy gia tăng phòng thủ ở các nước Baltic và Ba Lan, lật tẩy tham những của Nga trước phương Tây, tiến hành cấm nhập cảnh đối với những nhân vật quan trọng của Nga. Hãy giúp đỡ Ukraine và tái lập Liên minh Đại Tây Dương’’.
Janine Davidson, một chuyên gia về quân sự và chiến lược quốc phòng, nói rằng các thành viên NATO nên sẵn sàng cho những chiến dịch du kích mà Nga đã sử dụng ở miền Đông Ukraine. Bà viết : "NATO phải xem xét chuyện gì sẽ xảy ra nếu và khi nào những đội quân đặc nhiệm được trang bị tốt, không bị theo dõi, và có kỷ luật cao xuất hiện ở một nước thuộc NATO như Estonia hay Latvia (lần lượt có 24 và 27% dân số là người Nga) và tiến hành một cuộc xâm lược lâu dài nữa’’.
Cùng lúc đó, ông Dmitry Gorenburg của viện CNA nói rằng chính phủ các nước vùng Baltic nên cảnh giác trước một cuộc lật đổ từ Nga. Ông nói : ‘’Một trong những nguy cơ không mấy người biết đến, đó là khi tập trung quá nhiều vào hệ thống phòng thủ quân sự, các nước vùng Baltic và NATO sẽ bỏ qua những công cụ phi quân sự của Nga, bao gồm việc cổ động và tài trợ những phong trào chính trị còn ngờ vực về Liên minh Châu Âu, cổ vũ cho những nhóm cực đoan để tiến hành bạo động nhằm tạo nên sự hỗn loạn, sau đó sử dụng kỹ thuật chiến tranh thông tin nhằm củng cố lòng tin chống chính quyền và chống EU trong những nhóm dân thiểu số này’’.