Bà Suu Kyi và người đồng sáng lập đảng đối lập, ông Tin Oo (trái) tại trụ sở của NLD ở Yangon. Ảnh: AP |
Trong thông báo trên trang Facebook, Tổng thống Thein Sein và Tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar, ông Min Aung Hlaing, chúc mừng bà Suu Kyi và cam kết tôn trọng kết quả cuộc bầu cử và hợp tác với chính phủ mới, AFP đưa tin.
Trước đó, tướng Min cũng khẳng định ông sẽ gặp bà Suu Kyi để đối thoại về "hòa giải quốc gia" ngay sau khi Ủy ban Bầu cử công bố kết quả chính thức.
Năm 1990, đảng NLD của bà Suu Kyi từng giành chiến thắng áp đảo, song quân đội phủ nhận kết quả và thắt chặt quyền lực của họ. 25 năm sau, bà Suu Kyi kêu gọi "hòa giải dân tộc", nhấn mạnh sự cần thiết của quá trình chuyển đổi quyền lực theo cách hòa bình tại quốc gia đang trên con đường tiến tới dân chủ. Nyan Win, phát ngôn viên của NLD, cho biết các cuộc đàm phán là "động thái đầu tiên của chúng tôi".
Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng hôm 12/11 cho hay, trong cuộc điện thoại vào buổi tối 11/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi “những nỗ lực không mệt mỏi và sự hy sinh” của bà Suu Kyi để thúc đẩy một “Myanmar thêm toàn diện, hòa bình và dân chủ”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, cuộc tổng tuyển cử và thành lập chính phủ mới tại Myanmar có thể là “một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang thể chế dân chủ”của nước này.
Trong một tuyên bố khác, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Obama đã gọi điện chúc mừng người đồng nhiệm Myanamar và chính phủ đã tổ chức "một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng trong lịch sử".
Đảng NLD hiện giành hơn 80% số ghế trong Quốc hội. Đây là một bước tiến rất lớn trong quá trình đấu tranh vì dân chủ của đảng đối lập. Tính tới chiều 12/11, NLD chỉ cần 38 ghế nữa để giành chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện trong Quốc hội.
Myanmar chịu sự điều hành trực tiếp của quân đội trong 50 năm trước khi chính phủ bán dân sự nắm quyền hành năm 2011. Cuộc tổng tuyển cử năm 2015 là sự kiện chính trị lớn nhất tại Myanmar trong nhiều thập niên qua.