Khói và lửa bốc lên từ sân bay quốc tế Khartoum, Sudan, ngày 17/4. Ảnh: Reuters. |
Sáu máy bay được huy động cho chiến dịch sơ tán. RSF - lực lượng bán quân sự đang đối đầu với quân đội Sudan và hiện kiểm soát sân bay Khartoum - phối hợp hỗ trợ sơ tán, Reuters đưa tin.
Tổng thống Joe Biden cũng cho biết Mỹ đã hoàn thành việc sơ tán các nhân viên đại sứ quán ở Sudan. Ông nói thêm Washington đang tạm thời đình chỉ hoạt động tại đại sứ quán trong thời gian Sudan biến động.
Ông cho biết đội ngũ của mình đang làm việc để hỗ trợ người Mỹ ở Sudan trong phạm vi có thể, cũng như đang thảo luận với các đồng minh và đối tác về nỗ lực này.
Trước đó, Mỹ đã điều động thêm quân đội và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc sơ tán. “Chúng tôi điều lực lượng để đảm bảo có nhiều lựa chọn nhất có thể nếu được huy động”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói trong một cuộc họp báo hôm 21/4.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ cảnh báo công dân rằng họ chưa thể hỗ trợ các đoàn xe sơ tán bằng đường bộ từ Khartoum đến cảng Sudan. Các cá nhân sơ tán theo con đường này sẽ phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Công dân nước ngoài khác đã bắt đầu sơ tán khỏi cảng biển Đỏ ở Sudan vào ngày 22/4, trong đó có Saudi Arabia và Jordan.
Các nước phương Tây dự kiến gửi máy bay sơ tán đến Sudan từ Djibouti, dù quân đội Sudan cho biết các sân bay ở Khartoum và Nyala - thành phố lớn nhất của vùng Darfur - đang gặp vấn đề và không rõ khi nào có tiếp nhận máy bay đến.
Một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên cho biết một số nhân viên ngoại giao ở Khartoum đang hy vọng được sơ tán bằng đường hàng không trong hai ngày tới.
Bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra gần như mỗi ngày kể từ khi xung đột vũ trang giữa hai lực lượng nổ ra vào ngày 15/4, quân đội Sudan và RSF cho đến nay vẫn không tuân thủ.
Cuộc giao tranh hôm 22/4 vi phạm thỏa thuận ngừng bắn 3 ngày được đưa ra hôm 21/4 nhằm tạo thời gian an toàn cho công dân đi thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Cả hai bên đều cáo buộc bên kia không tôn trọng thỏa thuận.
Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã kêu gọi các bên liên quan tôn trọng lệnh ngừng bắn, đồng thời mở lối đi an toàn cho dân thường sơ tán và cung cấp viện trợ cần thiết.
Xung đột giữa các phe phái tại Sudan đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát hôm 15/4.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.