Nhiều quốc gia đang chuẩn bị di tản người dân của mình khi tình trạng bạo lực vẫn đang tiếp diễn ở Sudan. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh giao tranh diễn ra tại Sudan trong một tuần qua, nhiều quốc gia đang huy động không quân để tiến hành chiến dịch giải cứu đường không đối với những công dân của mình bị mắc kẹt tại quốc gia châu Phi.
Tuy tình trạng bạo lực đang diễn ra trên khắp cả nước, các cuộc đụng độ lớn giữa quân đội Sudan và tổ chức bán quân sự Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) chủ yếu diễn ra tại khu vực thủ đô Khartoum của Sudan.
Theo Reuters, đây là thành phố có nhiều người nước ngoài sinh sống do là nơi đặt các cơ quan đại diện ngoại giao, dẫn đến nhu cầu di tản những người này khi tình trạng bạo lực không có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Những nước nào di tản công dân tại Sudan?
Vào hôm 21/4, cả RSF và quân đội Sudan cho biết đã đạt thỏa thuận ngừng bắn trong dịp lễ Eid al-Fitr, thời điểm kết thúc tháng Ramadan trong đạo Hồi. Lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ bắt đầu có hiệu lực từ lúc 6h ngày 21/4.
Nhiều quốc gia đang chuẩn bị lực lượng không quân để tiến hành di tản người dân của mình trong khoảng thời gian này.
Aviacionline - website chuyên về hàng không của Tây Ban Nha - đưa tin để chuẩn bị cho quá trình di tản, khoảng 40 máy bay từ 12 quốc gia khác nhau, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, đã được điều động đến những căn cứ không quân nằm tại các nước láng giềng của Sudan như Jordan và Djibouti.
Theo Aviacionline, Mỹ đã huy động lượng lớn máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster tới căn cứ Lemonnier ở Djibouti.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 21/4 cho biết nước này đã triển khai thêm các lực lượng đến gần Sudan nhằm phục vụ quá trình sơ tán nếu tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang.
"Chúng tôi đã triển khai thêm lực lượng đề phòng trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, quyết định di tản vẫn chưa được đưa ra", Bộ trưởng Austin phát biểu tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.
Căn cứ Lemonnier của Mỹ tại Djibouti là một trong những địa điểm tập kết lực lượng phục vụ quá trình di tản người nước ngoài tại Sudan. Ảnh: Parkusa. |
Yonhap dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/4 cho biết đã cử một máy bay vận tải C-130J, chở theo 50 người gồm lực lượng an ninh và nhân viên y tế đến căn cứ quân sự Mỹ ở Djibouti.
Nhật Bản đã điều động 2 máy bay vận tải C-2 và C-130 cùng một máy bay tiếp nhiên liệu KC-767 tới căn cứ của nước này ở Djibouti để chuẩn bị di tản 63 công dân tại Sudan, Japan Times đưa tin.
Theo các phương tiện truyền thông tại Pháp, có ít nhất 3 máy bay vận tải của nước này đang trong trạng thái sẵn sàng tại Djibouti sau khi được điều động vào hôm 19/4, NHK đưa tin. Bộ Ngoại giao Pháp ngày 20/4 cho biết vẫn còn hàng trăm công dân của nước này bị mắc kẹt ở Sudan.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares vào hôm 20/4 cho biết một máy bay vận tải đã được triển khai để chuẩn bị di tản 60 công dân nước này cùng 20 người khác từ khác từ khu vực Mỹ Latinh và châu Âu.
Liên Hợp Quốc (UN) đang cố gắng đưa nhân viên ra khỏi những "khu vực nguy hiểm" tại Sudan. Trả lời Reuters, một nguồn tin UN giấu tên cho biết tổ chức này có khoảng 4.000 nhân viên tại Sudan, trong đó có 800 nhân viên là người nước ngoài. Còn có khoảng 6.000 người thân của các nhân viên UN và nhân sự khác có liên quan đến tổ chức này đang ở tại quốc gia châu Phi.
Chiến dịch di tản phức tạp chưa từng thấy
Việc các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra với một trong những điểm nóng là sân bay thủ đô Khartoum đã làm phức tạp hóa kế hoạch di tản người nước ngoài tại Sudan. Nhiều máy bay đã bị phá hủy trên đường băng và các hãng hàng không đã dừng hoạt động tại cơ sở này.
Việc sân bay quốc tế Khartoum là một trong những điểm nóng của các cuộc giao tranh khiến quá trình di tản người nước ngoài trở nên phức tạp hơn. Ảnh: Maxar Technologies. |
RSF ngày 21/4 cho biết sẽ mở cửa một phần sân bay quốc tế Khartoum để các chính phủ nước ngoài di tản người dân của mình.
"Chúng tôi sẽ phối hợp, điều phối và cung cấp các dịch vụ cần thiết để người nước ngoài rời khỏi Sudan một cách an toàn", RSF nói trong tuyên bố.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quyền kiểm soát của lực lượng RSF đối với sân bay Khartoum đang ở mức độ nào.
Trả lời Reuters, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết quá trình di tản công dân nước ngoài tại Sudan là một trong những chiến dịch phức tạp nhất mà người này từng chứng kiến.
"Trong trường hợp này, tình trạng bạo lực bắt đầu từ thủ đô Khartoum. Việc các cuộc giao tranh diễn ra ngay gần các đại sứ quán và sân bay đã làm phức tạp hóa công tác di tản", nhà ngoại giao cho hay.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.