Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân đội huy động 138.000 người ứng phó bão số 9

Lực lượng của quân khu 5, 7, 9 và quân đoàn 3, 4 với trên 138.000 người, hơn 6.000 phương tiện đã sẵn sàng ứng trực đối phó bão số 9.

Sáng 23/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó bão số 9 (tên quốc tế Usagi), dưới sự chủ trì của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Về diễn biến bão số 9, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hiện bão đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía nam, đổ bộ đêm thứ bảy (24/11). Cường độ bão ở mức cấp 7-8. Vùng ảnh hưởng gió mạnh là Nam Trung Bộ.

Mưa 300-400 mm

Về lượng mưa, ông Cường nhận định dù bão di chuyển hướng nam tuy nhiên lượng mưa không đổi. Từ Thừa Thiên - Huế đến Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên mưa lớn.

Từ 23/11 đã có mưa, đến hết ngày 26/11, tổng lượng mưa trên 100 mm. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, nam Tây Nguyên lượng mưa 300-400 mm. Trọng điểm chiều 24/11 hết ngày 25/11, lượng 200-300 mm trong 24 giờ.

Bao so 9 do bo Nam Trung Bo anh 1
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Thắng Quang.

Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo các quân khu 5, 7, 9, quân đoàn 3, 4 với khoảng 138.000 người và trên 6.000 phương tiện sẵn sàng ứng trực đối phó với bão.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin hơn 3.800 tàu, với 23.500 người đang trong vùng bão. "Tuy nhiên, các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm, cố gắng trong 16h chiều nay tất cả các tàu sẽ vào bờ an toàn", vị này nói.

Riêng, tỉnh Bình Thuận cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16h ngày 22/11. Các tỉnh trong khu vực sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch đã lập, khi bão đổ bộ trực tiếp và gây mưa, lũ, ngập lụt. Tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học từ ngày 23/11 đến hết ngày 25/11.

Phát biểu chỉ đạo, ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ ban ngành địa thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. Đồng thời khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn các tàu đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm 24h tới tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ đảm bảo an toàn.

"Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân", Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế chỉ đạo điều hành công tác ứng phó với bão và vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước.

Bão số 9 tăng cấp khi vào gần bờ

Bản tin phát lúc 11h (ngày 23/11) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay hồi 10h, tâm bão số 9 ở cách đảo Phú Quý khoảng 360 km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 560 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180 km tính từ tâm bão.

Chiều và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 24/11, tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 70 km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 270 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12.

Ảnh hưởng của bão, khu vực phía tây vùng biển giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10h ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Bao so 9 do bo Nam Trung Bo anh 2

Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Từ đêm nay (23/11), gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5 m.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày hôm nay đến 26/11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt); bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200 mm/đợt).

Từ ngày 24 đến 27/11, các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1-2 và trên báo động 2. Các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2-3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến.

Người Khánh Hoà ra biển xúc cát chống bão

Lo ngại bão số 9 (tên quốc tế Usagi) đổ bộ, từ sáng sớm đến trưa 23/11, người dân Khánh Hòa tất bật đi xúc cát chèn mái nhà. Nhiều đơn vị dùng rọ đá gia cố hồ, đập chống sạt lở...

Bão số 9 có khả năng đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ

Cơ quan khí tượng cho biết bão số 9 mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10 và có khả năng mạnh thêm khi vào gần đất liền.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm